Cơ hội thu hút FDI vào năng lượng xanh
Chuyển dịch dòng vốn và lưu ý cho Việt Nam | |
Chuyển động mới trong thu hút FDI | |
Sách Trắng 2017: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn |
Vốn FDI vào lĩnh vực năng lượng xanh đang gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tới năm 2009 cả nước mới có 2 dự án FDI năng lượng xanh đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 90,5 triệu USD. Giai đoạn sau đó, vốn FDI trong lĩnh vực này rất thấp, sau đó tăng dần vào năm 2014. Năm 2015, vốn đăng ký vào lĩnh vực này đạt trên 356 triệu USD.
Tính đến nay, trong số 110 dự án FDI sản xuất điện, khí đốt, Việt Nam đã thu hút được 16 dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng xanh, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 778 triệu USD; chiếm 14,5% về số dự án và 6% tổng số vốn đầu tư đăng ký trong ngành điện và khí đốt. Quy mô bình quân của một dự án năng lượng xanh khoảng trên 48 triệu USD, cao hơn đáng kể quy mô bình quân của một dự án FDI là khoảng 13 triệu USD, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quy mô vốn đầu tư bình quân cho một dự án trong ngành sản xuất điện (khoảng 115 triệu USD).
Việc thu hút dự án năng lượng xanh vào Việt Nam là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay |
Sản xuất điện từ năng lượng gió thu hút sự quan tâm của các NĐT nước ngoài hơn cả, với tổng vốn đăng ký là 577 triệu USD, chiếm 74% tổng vốn đăng ký trong lĩnh vực năng lượng xanh. Đứng thứ 2 là sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 137,38 triệu USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký của lĩnh vực này. Cuối cùng là dự án sản xuất điện sinh khối, với số vốn đầu tư đăng ký là 59,2 triệu USD, chiếm 8%.
Hầu hết FDI trong lĩnh vực năng lượng xanh ở Việt Nam được tập trung ở các tỉnh có thể sử dụng sức gió và năng lượng mặt trời như Ninh Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Trong đó, Ninh Thuận đứng đầu với tổng số vốn đầu tư đăng ký 224,67 triệu USD. Tiếp theo là các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư đăng ký cho các dự án năng lượng xanh lần lượt là 152 triệu USD, 120 triệu USD và 70 triệu USD.
Tính đến nay, đã có 9 quốc gia đầu tư vào dự án FDI năng lượng xanh bao gồm Hàn Quốc, Đức, Pháp, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Singapore, Nga, Bỉ và Trung Quốc. Trong đó, đứng đầu là NĐT Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 371 triệu USD, chiếm 48% tổng vốn đầu tư đăng ký trong lĩnh vực năng lượng xanh. CHLB Đức đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 226,68 triệu USD, chiếm 29,3%. Tiếp theo là các NĐT Pháp, Ấn Độ và Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 77,12 triệu USD, 59,22 triệu USD và 26 triệu USD.
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, thu hút FDI trong lĩnh vực năng lượng sạch, những DN sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng và lĩnh vực hàng hoá môi trường có thể mang lại lợi ích đối với môi trường của Việt Nam và giúp đất nước đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Việc thúc đẩy những dự án FDI xanh vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, qua tình hình thực tế, có thể thấy rằng số lượng và quy mô dự án trong lĩnh vực năng lượng xanh chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam. Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, việc thu hút dự án năng lượng xanh vào Việt Nam là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Ông John Rockhold, Trưởng nhóm Năng lượng Diễn đàn DN thường niên (VBF) 2016 đánh giá, gần đây một số DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh vì họ đã hiểu rõ ràng hơn về lộ trình, hướng đi của lĩnh vực này tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh, đối với năng lượng xanh là lĩnh vực đòi hỏi vốn tương đối lớn, vì vậy các tập đoàn lớn có những quy tắc đầu tư nghiêm ngặt. Vì vậy, điều cần thiết để thu hút nhiều hơn các dự án này là Việt Nam phải có lộ trình rõ ràng và chính sách minh bạch hơn nữa về năng lượng xanh.
Một vấn đề khác là các DN nước ngoài không thể phát triển năng lượng xanh nếu như không có DN trong nước cung cấp trang thiết bị để sản xuất điện. Vì vậy, các NĐT lớn hiện vẫn đang tìm đối tác đủ mạnh ở trong nước, cũng như kết nối với những công ty toàn cầu để tìm nguồn cung cấp thiết bị, giúp hạ tối đa giá thành sản xuất điện.
Ông John Rockhold cũng cho biết thêm, rất nhiều DN lớn ở các quốc gia phát triển muốn mua năng lượng với cam kết 100% năng lượng sạch. Đơn cử là các DN của Mỹ như Google, Nike, Intel… sẵn sàng thỏa thuận mua điện trực tiếp từ nhà cung cấp, mang tính chất toàn cầu, chứng nhận toàn cầu, kể cả phải trả tiền cao hơn để sử dụng nguồn năng lượng sạch từ gió, mặt trời. Và như vậy Việt Nam rõ ràng là có cơ hội rất lớn để thu lợi từ việc đầu tư vào năng lượng xanh.
Dưới góc độ của một NĐT, ông Christian Bennett, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn General Electric (GE) khu vực Đông Nam Á khẳng định, tập đoàn này đang đặt trọng tâm chiến lược vào việc cung cấp nguồn năng lượng tái tạo chi phí thấp tại các thị trường tăng trưởng nhanh như Việt Nam. Hiện GE đang theo đuổi dự án phát triển 1.000 MW điện gió theo biên bản thoả thuận đã ký kết với Bộ Công Thương hồi tháng 5/2016.
Ngoài việc trực tiếp đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo, GE hiện cũng đang là nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất tại Việt Nam. Nhà máy của GE đặt tại Hải Phòng hiện có khoảng 1.000 nhân viên đang làm việc và vẫn tiếp tục được mở rộng để sản xuất, phân phối sản phẩm sang các thị trường lân cận. Với động thái trên, NĐT này đã phát đi thông điệp sẽ tiếp tục dồn lực vào đầu tư năng lượng xanh ở Việt Nam.