Chuyển động mới trong thu hút FDI
Sách Trắng 2017: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn | |
Thu hút FDI trước kỳ vọng mới | |
Thu hút FDI: Lo nội tại hơn ngoại lực |
Trong 2 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và vốn thực hiện vẫn duy trì mức tăng trưởng, dù không có nhiều đột biến. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/2/2017, tổng vốn FDI đăng ký mới là 2,02 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; vốn giải ngân đạt 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Song, điểm đáng chú ý là chỉ trong 2 tháng đầu năm, các NĐT nước ngoài đã chi gần 620 triệu USD để góp vốn, mua cổ phần trong các DN Việt Nam, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với 654 lượt góp vốn, mua cổ phần.
Xét theo ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều giá trị góp vốn, mua cổ phần nhất, với 22 dự án, tương ứng 292 triệu USD. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 197 dự án, giá trị tương ứng là 124 triệu USD. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 14 dự án, giá trị tương ứng 58,94 triệu USD.
Ảnh minh họa |
Hàn Quốc tuy không phải là NĐT góp vốn FDI trực tiếp và tăng thêm lớn nhất trong 2 tháng đầu năm, song lại là NĐT góp vốn, mua cổ phần lớn nhất với 174 dự án, giá trị tương ứng 98,7 triệu USD. Xếp thứ hai là Trung Quốc với 97,6 triệu USD giá trị góp vốn, mua cổ phần, tương ứng với 123 lượt dự án. Tuy nhiên, quy mô dự án lớn lại thuộc về NĐT Thuỵ Sỹ. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, NĐT đến từ quốc gia này đã góp vốn, mua cổ phần với giá trị xấp xỉ 87,7 triệu USD cho 4 dự án, quy mô trung bình mỗi dự án là 21,9 triệu USD.
Bên cạnh nét mới về mua lại DN, điểm đáng chú ý khác trong dòng chảy vốn ngoại vào Việt Nam là sự kỳ vọng vào một số lĩnh vực đầu tư nay có sự thay đổi đáng kể. Mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút được nhiều vốn ngoại nhất, song trong 2 tháng đầu năm, bất động sản cũng đang nổi lên là tâm điểm thu hút vốn.
Trước hết, dự án có vốn đầu tư lớn nhất trong 2 tháng đã rơi vào lĩnh vực này. Đó là dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Cũng nằm trong top 5 dự án quy mô lớn nhất, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do NĐT Trung Quốc đầu tư tại Bắc Giang.
Tính chung lại, trong 2 tháng đầu năm 2017, các NĐT nước ngoài đã rót 345,5 triệu USD vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam (chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư FDI), tăng gần 12 lần so với mức 29,07 triệu USD của cùng kỳ năm 2016.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL) cho rằng, đây sẽ tiếp tục là một năm phát triển cho thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đó, thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận các hoạt động tích cực trên nhiều phân khúc, đặc biệt là phân khúc khu công nghiệp. Dựa trên nguồn cầu mà công ty này tổng hợp, ông đánh giá, năm 2017 sẽ là năm kỷ lục cho hoạt động mua bán và sáp nhập trên thị trường bất động sản Việt Nam.
Một chuyển biến đáng chú ý khác về thu hút FDI là Nhật Bản - một trong những đối tác đầu tư FDI lớn của Việt Nam - dường như đang tiếp tục chững lại khi đứng ở vị trí thứ 4, sau Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc. 2 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của Nhật Bản đạt khoảng 297,6 tỷ USD, cách xa so với Hàn Quốc ở vị trí thứ 3 với 637 triệu USD.
Theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, vốn Nhật tiếp tục giảm tốc là do các dự án đầu tư của Nhật Bản thời gian gần đây chủ yếu đến từ các DNNVV. Riêng dự án quy mô dưới 5 triệu USD chiếm tỷ lệ tới 89,6%; trong đó quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD chiếm 70,8%.
Tuy nhiên, vẫn khó có thể nói đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sụt giảm. Bởi mặc dù thiếu vắng dự án lớn, song nếu nhìn ở khía cạnh số lượng dự án thì biểu hiện là khá tích cực. Đơn cử như năm 2016, số lượng dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã lên tới 560 dự án, cao nhất kể từ trước tới nay. Chưa kể, còn có 276 lượt góp vốn, mua cổ phần trong các DN tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dù số vốn đầu tư mới từ Nhật giảm, nhưng số vốn đầu tư mở rộng lại tăng mạnh. NĐT Nhật Bản cũng đóng góp 3 trong tổng số 10 dự án tăng vốn lớn nhất trong năm 2016.
Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật Vilaf Hồng Đức nhận định, Nhật Bản hiện cũng được đánh giá là dòng vốn triển vọng trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập tại Việt Nam. Ngoài dòng vốn từ các NĐT Thái Lan đặc biệt tích cực, tập trung vào hàng tiêu dùng, bán lẻ, các chuyên gia cho rằng dòng vốn từ Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động mua bán, sáp nhập trong thời gian tới.
Có thể thấy “bóng dáng” của hoạt động mua bán, sáp nhập đang hiện lên rõ nét hơn trên dòng chảy FDI thời gian qua. Vì vậy các chuyên gia dự báo, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài cũng sẽ được đẩy mạnh hơn trong nhiều lĩnh vực, thay vì chủ yếu là đầu tư mới như trước đây.