Cổ tức ngân hàng sẽ không như mong đợi
Cổ tức giảm
Ba năm trở lại đây nhà đầu tư nào quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng, đều thấy mức cổ tức nhận được từ ngành này chỉ xoay quanh mức lãi suất tiết kiệm, tức bình quân từ 10-15%.
Đã có năm cổ tức ngân hàng được chia đến 30% như của Techcombank, Eximbank là 32,6%, và ACB là 24-25% (năm 2010). Tuy nhiên, năm 2011 Techcombank không chia cổ tức cho cổ đông và nhiều NHTMCP chia cổ tức ở mức không cao như: SouthernBank là 7%, MekongBank là 7,56%, VIB là 7%, Navibank và OCB là 10%, DongABank là 15%, MaritimeBank là 17%... Ngay từ đầu năm 2012 đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng đã công bố tỷ lệ chi trả cổ tức trong năm nay không cao hơn năm 2011.
DongABank là một điển hình khi ĐHCĐ đầu năm trình cổ đông mức chi cổ tức hằng năm không dưới 15% bằng tiền mặt. Đến nay, DongABank đã thực hiện chia cổ tức hàng quý, mỗi quý 3% bằng tiền mặt và đã chia đủ 3 quý trong năm 2012. MaritimeBank cũng đã thông báo chia cổ tức đợt 1/2012 mức 7% trong tổng mức cổ tức dự kiến chia năm nay là 10%, giảm so với năm 2011 là 17,6%.
Đến nay, LienVietPostBank đã tạm ứng cổ tức được 2 đợt, mỗi đợt 3% bằng tiền mặt. Dự kiến ngân hàng này sẽ chia cổ tức năm nay ở mức 13-15%, so với mức 15% của năm 2011. VietinBank dự kiến chia cổ tức 2012 là 16% so với mức 29,6% năm 2011…
Cổ tức ngân hàng sẽ không như dự kiến đầu năm 2012. (Ảnh: MP)
Năm 2012 tỷ lệ chia cổ tức của các ngân hàng không chỉ giảm so với các năm trước, mà còn có nguy cơ nhiều ngân hàng không chia cổ tức được như dự kiến ban đầu trong nghị quyết các ĐHCĐ. Đến nay có nhiều ngân hàng chưa có kế hoạch tạm ứng cổ tức trong năm 2012, hay như DaiABank cũng phải lùi kế hoạch chi trả cổ tức đợt 1/2012 đến tận tháng 4/2013(?).
KienLongBank là ngân hàng đã mạnh dạn giảm một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh trong năm 2012, trong đó có việc giảm tỷ lệ chia cổ tức từ 12% xuống còn 10%. OCB cũng cho biết mức cổ tức năm nay có thể chỉ 5% so với chỉ tiêu 10% đề ra trước đó. Sacombank hiện cũng chưa xác định được tỷ lệ cổ tức chia cho cổ đông năm nay khi chưa chốt được tỷ lệ phải trích lập dự phòng. Vietcombank cũng vừa xin ý kiến cổ đông để điều chỉnh các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh năm 2012, hiện kế hoạch điều chỉnh chưa được công bố. Trước đó Vietcombank dự kiến lãi sau thuế 4.929 tỷ đồng, cổ tức 12%.
Do đâu?
Còn hơn 1 tháng là kết thúc năm 2012 và công bố kết quả quý III/2012, nhiều ngân hàng đã hé lộ thông tin lợi nhuận quý III/2012 sụt giảm và phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay. Theo đó, cổ tức chia cho cổ đông cũng được điều chỉnh giảm theo. Mới đây Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. Như vậy, với tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng đang gia tăng thì việc giữ mức cổ tức như công bố là vấn đề khá nan giải.
Sự đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tiếp tục lặng sóng, khi mà thu nhập từ cổ tức của các công ty niêm yết không còn cao, trong khi giá cổ phiếu liên tục lao dốc. Một chuyên gia kinh tế cho biết, việc đầu tư bao giờ cũng có rủi ro. Đánh giá cổ tức ngân hàng trong thời điểm này cũng chỉ mang tính thời điểm và cổ tức ngân hàng có thể ở mức trung bình, khá.
Cổ tức ngân hàng sụt giảm cũng cho thấy hoạt động ngân hàng năm nay rất khó khăn khi nền kinh tế không thuận lợi. Tính đến hết quý III/2012 nhiều chỉ tiêu kinh doanh của các NHTMCP đều giảm. Hầu hết các NHTMCP chỉ đạt chỉ tiêu lợi nhuận thấp so với kế hoạch đề ra cả năm. Nguyên nhân chủ yếu lý giải cho vấn đề này là tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng ở mức thấp.
Tính đến 30/9/2012, mặc dù vẫn có những NHTMCP tăng trưởng tín dụng âm như: Eximbank âm 14,7%, Navibank âm 3,58%,… so với cuối năm 2011. Không cho vay ra được khiến thu nhập thuần từ lãi của nhiều ngân hàng sụt giảm, trong khi nợ xấu tăng cao khiến việc trích lập dự phòng rủi ro cao, làm tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Trong buổi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông báo “tốc độ tăng nợ xấu đang tăng nhanh kể từ cuối năm 2011 đến nay. Các ngân hàng phải tự giải quyết nợ xấu của mình, thậm chí ngân hàng nào có nợ xấu quá cao phải sử dụng vốn tự có, vốn điều lệ hoặc bán tài sản để xử lý nợ”.
Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng cảnh báo, các ngân hàng cũng phải đảm bảo các hệ số an toàn trong hoạt động ngày càng cao hướng theo tiêu chuẩn quốc tế, phải tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực hoạt động trước sức ép thị trường tài chính – ngân hàng ngày càng gay gắt, với sự tham gia của các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Do vậy, việc chia cổ tức cao là khó trong điều kiện hiện nay.
Quang Anh