Công nghiệp hỗ trợ rộng cửa đón vốn
Tuần trước, UBND TP. Hồ Chí Minh công bố tiếp tục Chương trình kích cầu đầu tư trên địa bàn thành phố. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được đưa vào tâm điểm để triển khai các ưu đãi về thuế, tiếp cận nguồn vốn và lãi suất.
Cụ thể, các dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, cao su - nhựa, chế biến lương thực thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin, dệt may và da giày sẽ được hỗ trợ cho vay 70-85% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Toàn bộ lãi suất khoản vay sẽ được ngân sách hỗ trợ 100% trong vòng 7 năm từ ngày giải ngân lần đầu.
DN công nghiệp hỗ trợ bớt lo về vốn |
Như vậy, chỉ chưa đầy một tháng sau khi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ được ban hành, TP. Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong “hâm nóng” những chính sách ưu đãi tài chính đối với nhóm DN được cho là mũi nhọn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Và ngay lập tức, các NHTM trên địa bàn thành phố cũng đã cùng vào cuộc với các hợp tác ban đầu mang dấu hiệu tích cực, mở ra nhiều cơ hội cung ứng vốn sâu rộng cho nhóm DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Chủ đầu tư Khu công nghiệp Hiệp Phước - HIPC (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) cho biết đã bắt đầu triển khai chương trình kích cầu. Theo đó, HIPC chính thức ký kết với BIDV và VietinBank để cam kết hỗ trợ 70% giá trị vốn dự án với thời hạn vay 10 năm cho những DN nào đến đầu tư trên diện tích 600 ha mà đơn vị này vừa mở rộng.
Thực tế cho thấy, không phải chỉ đến khi các chính sách ưu đãi cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được quy định cụ thể và các chương trình hỗ trợ chuyên biệt mang đặc thù địa phương thì các NHTM mới mạnh dạn cung ứng vốn. Mà nhiều năm trở lại đây, từ khi Chính phủ xác định ưu đãi lãi suất thấp cho 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên thì hệ thống NH đã rất chủ động và tích cực trong thực hiện. Tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay vào 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, trong đó có 2 nhóm gần gũi nhau là công nghiệp hỗ trợ và DNNVV chiếm tới 56% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo đó, tính đến nay có thể nói khối DNNVV nói chung và nhóm công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng gần như đang bắt đầu nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Nguồn tài chính cho các công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ lâu nay vẫn bị “than phiền” và đổ lỗi cho cơ chế chính sách thì hiện nay đã được hỗ trợ bằng ngân sách và nguồn vốn giá rẻ của các NHTM.
Vì thế, đến thời điểm này, hoàn toàn có thể khẳng định rằng vấn đề vốn không phải là điều mà các công ty trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước cần phải lo lắng nhiều như thời gian trước đây nữa. Vấn đề chính là làm thế nào để tận dụng hiệu quả hàng loạt những cơ chế ưu đãi từ trung ương đến địa phương, nhằm cạnh tranh tối đa với khối ngoại trước bối cảnh ngày càng có nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ từ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đón đầu các ưu đãi đầu tư.