Công nghiệp phụ trợ ngành gỗ vẫn… chỉ là phụ
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến gỗ cho nền kinh tế là không nhỏ (đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm qua). Tốc độ tăng trưởng về giá trị và kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm khoảng 14-15%. Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 5 nước có ngành chế biến gỗ tăng trưởng nhanh và đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Đến nay, nước ta đã có gần 4.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Tuy nhiên, sự phân bố và quy mô DN không đồng đều, chủ yếu là DNNVV, vốn đầu tư, trang thiết bị dây chuyền công nghệ còn lạc hậu. Mặc dù, thời gian gần đây, tốc độ phát triển của ngành này đạt được những kết quả đáng kể, song giá trị thu về chưa cao do chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ trong nước.
Ảnh: MH
Ông Đinh Ngọc Minh - Vụ phó Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ở một số ngành nghề khác nhau, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp phụ trợ có thể lên đến 90-95% tùy theo tính chất kỹ thuật của từng ngành. Trong công nghiệp chế biến gỗ, các loại vật liệu hay phụ tùng như keo gắn gỗ, các loại sơn, bản lề, ốc vít… giữ vai trò rất quan trọng trong chế biến gỗ xuất khẩu. Đặc biệt, đối với sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất hiện đại, các vật liệu, phụ kiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chất lượng, giá trị gia tăng. Đơn cử, để sản xuất ra 1m3 sản phẩm ván nhân tạo cần sử dụng 100kg keo dán, 8-10 kg chất chống ẩm, 02 kg chất đóng rắn… Đối với đồ gỗ nội ngoại thất, mỹ nghệ, lượng keo sử dụng khoảng 20 kg/m3 sản phẩm, đó là chưa kể đến sơn phủ bề mặt (trung bình mỗi m2 sản phẩm cần sử dụng khoảng 250g chất sơn phủ bề mặt và nhiều phụ kiện khác như ngũ kim, ốc vít, bản lề…). Tuy nhiên, đến nay, các loại nguyên liệu phục vụ cho ngành này tại Việt Nam vẫn chủ yếu phải nhập khẩu. Theo thống kê sơ bộ hàng năm, Việt Nam phải nhập các loại phụ kiện cho chế biến đồ gỗ với giá trị khoảng 200 – 300 triệu USD. Trên thực tế đến nay ngoài một số nhà máy chế biến keo, vật liệu ở Bình Dương và một số địa phương khác chỉ có thể sản xuất được khoảng 10% nhu cầu của ngành gỗ trong nước, còn lại 90% vật liệu loại này phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, đến nay nước ta vẫn chưa có ngành phụ trợ cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu khi 90% phụ kiện cho ngành này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Mặc dù, trong nước đã có một vài DN đầu tư sản xuất phụ liệu phục vụ chế biến gỗ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường chứ chưa nói gì đến việc cạnh tranh với sản phẩm và DN nước ngoài.
Một số chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, để công nghiệp phụ trợ ngành gỗ phát triển, đáp ứng nhu cầu cần có sự đầu tư thỏa đáng vào khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do việc đầu tư này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó cho các DN, nhất là DN có quy mô nhỏ. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập kinh tế, hàng rào thuế quan giữa các nước giảm xuống, chi phí nhập khẩu rẻ hơn nên nhiều DN lại có xu hướng nhập khẩu nguồn nguyên phụ kiện từ nước ngoài, do đáp ứng được yếu tố giá cả, chất lượng. Điều này, khiến cho công nghiệp phụ trợ cho ngành chế biến gỗ càng khó khăn trong việc cạnh tranh và khó phát triển đồng bộ. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), để công nghiệp phụ trợ ngành chế biến gỗ có thể đóng góp lớn hơn trong việc nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho ngành, trước hết cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế thông qua những chính sách ưu đãi về thuế, vốn… thu hút đầu tư của DN trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần coi công nghiệp phụ trợ trong chế biến gỗ là bộ phận không thể tách rời của ngành gỗ để từ đó có chiến lược phát triển phù hợp, song hành và đồng bộ, làm nền tảng thúc đẩy ngành chế biến gỗ đóng góp giá trị ngày càng cao cho kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Hiện tại, 95% các DN hoạt động trong ngành chế biến gỗ thuộc sở hữu tư nhân, 5% thuộc sở hữu Nhà nước. Trong đó, các DN nước ngoài tuy chỉ chiếm 16% tổng số DN chế biến gỗ của cả nước, nhưng lại có giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 50%. Đa phần các DN này đến từ Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc… với dây chuyền, máy móc hiện đại, tự động hóa hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối. |
Đông Thành