Công ty tài chính đa dạng hóa kênh huy động vốn, cách nào?
70% sản phẩm cho vay của CTTC có lãi suất 0% | |
Công ty TNHH MTV CTTC VietinBank được bổ sung nội dung hoạt động |
Huy động vốn để giảm lãi suất
Ngày 31/12/2013, NHNN đã ban hành Thông tư 34/2013/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng phi NH trong đó có Công ty tài chính (CTTC) được phép phát hành các loại giấy tờ có giá, bao gồm chứng chỉ tiền gửi (CCTG) để huy động vốn.
Đối tượng mua giấy tờ có giá là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối tượng mua giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài phát hành lần đầu trên thị trường sơ cấp không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng.
NHNN luôn tạo điều kiện để các TCTD phát triển toàn diện |
Trước năm 2013, các CTTC phải huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay NH trong và ngoài nước, điều này khiến CTTC bị động về thời gian cũng như đẩy chi phí vốn của các công ty này lên cao. Đại diện một CTTC cho biết các CTTC muốn phát hành trái phiếu cần phải đăng ký và được sự đồng ý của NHNN về số lượng phát hành, và nếu lượng đăng ký mua không bằng lượng phát hành thì CTTC phải báo cáo lại với NHNN số lượng đã phát hành với chi tiết cụ thể.
Đối với một số loại giấy tờ có giá khác, ví dụ như CCTG, các CTTC chỉ báo cáo với NHNN về số lượng CCTG sau khi đã phát hành, điều này giúp các công ty này chủ động được thời gian và nguồn vốn của mình, cũng như giúp giảm chi phí huy động vốn vì lãi suất cho CCTG có thể thấp hơn so với chi phí đi vay trung, dài hạn với NH nước ngoài bao gồm cả chi phí hoán đổi tiền tệ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Đại diện CTTC Home Credit Việt Nam cho biết, sau khi có Thông tư 34/2013/TT-NHNN, Home Credit đã phát hành CCTG lần đầu tiên vào tháng 8/2014. Đợt phát hành này không nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà đầu tư, khi lượng đăng ký chỉ đạt 70% nhu cầu của công ty. Giá phát hành của lần đầu tiên cũng khá cao so với mặt bằng chung của thị trường.
Tuy nhiên, kênh huy động này ngày càng chứng tỏ sự hấp dẫn của mình, các đợt phát hành tiếp theo của Home Credit, nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư với lượng đăng ký ngày càng tăng và lãi suất huy động ngày càng giảm xuống. Tháng 7/2016, Home Credit đã phát hành CCTG một đợt nữa và thật bất ngờ, lượng đăng ký mua của các nhà đầu tư cao gấp đôi so với số lượng phát hành, trong khi khối lượng phát hành lần này đã gấp nhiều lần so với đợt phát hành lần đầu năm 2014.
Chỉ trong vòng 2 năm, từ con số 0, nguồn vốn huy động thông qua phát hành CCTG của Home Credit đã chiếm đến 25% tổng nguồn vốn huy động đầu vào của công ty. Bà Đoàn Mộng Điệp, Trưởng phòng Nguồn vốn Home Credit Việt Nam cho biết, phần lớn CCTG mà Home Credit Việt Nam phát hành có kỳ hạn 2-3 năm.
Với hình thức huy động vốn bằng cách phát hành CCTG, các CTTC đã chủ động hơn trong việc huy động vốn của mình, đặc biệt là có thể đa dạng hóa các kỳ hạn huy động theo nhu cầu của công ty, giúp tăng nguồn cung và thanh khoản cho thị trường thứ cấp, từ đó giúp việc phát hành CCTG trên thị trường sơ cấp của CTTC được thuận lợi hơn.
Kế hoạch sắp tới của Home Credit sẽ là phát hành CCTG với số lượng lớn và các kỳ hạn khác nhau nhằm đa dạng hóa cấu trúc nguồn vốn, giảm chi phí huy động vốn, cũng như có thêm nhiều sự lựa chọn cho các nhà đầu tư, bà Điệp chia sẻ.
Hình thức huy động vốn này cũng được một số CTTC khác như FE Credit và HD Saison khai thác và thúc đẩy hơn trong một vài năm gần đây... So với Home Credit, hai công ty nêu trên còn có lợi thế lớn khi có NH mẹ lần lượt là VPBank và HDBank. Theo đó, việc huy động vốn bằng nhiều cửa của các CTTC phần nào trở thành cơ sở hạ lãi suất vay, hỗ trợ rất tốt để người tiêu dùng vay vốn.
Vẫn còn hạn chế
Nhìn chung, khi thanh khoản của thị trường vốn bao gồm CCTG tăng lên, việc phát hành CCTG của các tổ chức tín dụng trên thị trường sơ cấp sẽ càng thuận lợi với lãi suất ngày càng thấp. Theo đó, một cách gián tiếp người dân sẽ được hưởng các khoản vay tiêu dùng với lãi suất thấp hơn. Lãi suất trên thị trường này cũng sẽ là một nguồn tham khảo hữu ích cho việc phát hành trái phiếu của DN lẫn Chính phủ.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, kết quả ghi nhận ở việc giảm lãi suất tại các CTTC chưa thực sự tốt. Khi được hỏi, một trong số các lãnh đạo của CTTC chia sẻ: họ được mở cửa này nhưng lại bị đóng cửa khác, nên thời gian qua cũng không thể thực hiện được mục tiêu quan trọng là giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể hơn, theo Thông tư 21/2012/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng phi NH chỉ có thể vay vốn từ các NH trong nước với kỳ hạn dài nhất là 1 năm. Tuy nhiên, các CTTC tiêu dùng vẫn có các khoản vay trung hạn, có thể đến 3 năm.
Để bổ sung nguồn vốn trung hạn của mình, các CTTC buộc phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, lãi suất tuy thấp hơn các khoản vay trong nước nhưng nếu bao gồm chi phí hoán đổi tiền tệ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá, thì chi phí vốn tổng thể của các công ty này tăng cao. Hệ quả là tăng các chi phí đầu vào của các CTTC.
Thêm vào đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định kể từ 1/7/2016, các tổ chức tín dụng phi NH buộc phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 200% xuống còn 100%, và sẽ giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018.
Việc NHNN siết chặt hơn các tỷ lệ an toàn vốn của các định chế tài chính phi NH đòi hỏi các CTTC cần huy động nhiều nguồn vốn trung và dài hạn hơn, do vậy, quy định hiện thời theo Thông tư 21, thì phát hành giấy tờ có giá, trong đó có trái phiếu và CCTG đang là kênh huy động vốn trung dài hạn hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, khi tất cả CTTC đều trông chờ vào kênh huy động vốn trung dài hạn này thì có thể xảy ra lượng cung vượt cầu trên thị trường này.
Do vậy, các CTTC kỳ vọng NHNN xem xét thay đổi Thông tư 21 để các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các CTTC có thể đa dạng hóa hơn nữa các kênh huy động vốn của mình, bớt lệ thuộc vào các nguồn vốn từ nước ngoài cho nguồn vốn trung và dài hạn. Các NH trong nước, đổi lại sẽ có thêm một số khách hàng mới góp phần cho tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống.
Trước những băn khoăn của CTTC, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM ông Nguyễn Hoàng Minh nói rằng, đây cũng là điều mà NHNN sẽ tìm cách cân đối sao cho các giải pháp có thể hài hòa nhất, hỗ trợ thị trường phát triển toàn diện.
Ông Minh thừa nhận rằng, dịch vụ cho vay tài chính tiêu dùng hiện nay đang phát triển khá mạnh. Vào cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng chỉ mới chiếm 2,3% tổng dư nợ, tương đương khoảng 16.000 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm ngoái, dư nợ cho vay tiêu dùng đã chiếm 6,8% tổng dư nợ, đạt 90.000 tỉ đồng. Như vậy chỉ trong vòng năm năm dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng gấp năm lần.
Điều đáng ghi nhận nhất là khi thị trường cho vay tiêu dùng phát triển và nhiều CTTC ra đời sẽ góp phần làm giảm tình trạng vay nặng lãi. Thế nhưng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều CTTC tham gia thị trường thì cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Từ đó chắc chắn miếng bánh lợi nhuận cho vay tiêu dùng sẽ bị san sẻ.
Về mặt lý thuyết, việc cạnh tranh giữa các CTTC sẽ giúp cho dịch vụ cho vay tốt hơn, lãi suất cho vay tiêu dùng giảm hơn so với trước đây và người đi vay sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, các CTTC cũng cần có môi trường kinh doanh tốt để thực hiện được mục tiêu chung của toàn ngành.
Theo đó, NHNN chi nhánh sẽ tìm hiểu những tác động thực tế của Thông tư 21 và 06 đến hoạt động kinh doanh của CTTC, sau đó sẽ có những văn bản kiến nghị chi tiết gửi Thống đốc NHNN Việt Nam tháo gỡ vướng mắc hiện hữu của CTTC lúc này, thúc đẩy thị trường phát triển tốt hơn theo thông lệ quốc tế.