Cùng tam nông vững thế chân kiềng
Agribank và Vingroup hợp tác thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững | |
Agribank đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi giá trị nông, thủy sản ở vùng ĐBSCL | |
Thay đổi để phát triển bền vững |
Bà Nguyễn Thị Phượng |
Trong suốt những năm qua, nông nghiệp được xác định là một trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, Đảng và Chính phủ luôn ý thức sâu sắc và dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này.
Là một NHTM Nhà nước, nhiều năm qua Agribank đã triển khai nhiều chính sách tín dụng đầu tư vào khu vực này, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam lại đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng, đó là biến đổi khí hậu và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để giải quyết những tồn tại trên ra sao, vai trò hỗ trợ của NH như thế nào trong quá trình này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng.
Bà đánh giá như thế nào về hiện trạng cũng như cơ hội và thách thức nông nghiệp Việt Nam thời gian tới?
Sau nhiều năm mở cửa và hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo và nhiều mặt hàng nông sản có giá trị khác.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng nền nông nghiệp của Việt Nam đang duy trì phương thức sản xuất cũ, lạc hậu, đa phần sản xuất manh mún. Tính liên kết trong chuỗi sản xuất rất hạn chế, ứng dụng công nghệ cao mới chỉ bắt đầu triển khai ở giai đoạn thí điểm…
Thực trạng này dẫn đến hàng hóa nông sản Việt Nam rất khó tìm chỗ đứng ở các thị trường tiềm năng nhưng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Trong khi đó, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết như các FTA, TPP, cơ hội để hàng hóa các nước tràn vào thị trường Việt Nam sẽ càng nhiều, và nguy cơ hàng nông sản Việt mất chỗ đứng ngay trên sân nhà đang ngày một hiện hữu.
Ở thị trường nội địa, người dân đang phải đối mặt với tình trạng thực phẩm bẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng... Đây là vấn đề nóng đang được quan tâm hàng đầu hiện nay, là nhiệm vụ được đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội, trong đó có Agribank.
Bà có thể cho biết cụ thể hơn những chính sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank?
Với gần 30 năm phát triển, gắn bó, đồng hành cùng tam nông, góp phần “vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, phát triển bền vững” luôn là mục tiêu cao cả mà Agribank hướng đến. Trên nền tảng thế mạnh của NHTM 100% vốn Nhà nước, có mạng lưới rộng lớn nhất với hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, cùng gần 40 ngàn cán bộ nhân viên am hiểu, gắn bó với địa phương… Agribank luôn dành trên 70% tổng dư nợ để đầu tư cho tam nông, luôn là đối tác tin cậy của hơn 10 triệu hộ sản xuất, hàng chục ngàn DN, đối tác trong và ngoài nước.
Agribank luôn đồng hành cùng tam nông góp phần vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, phát triển bền vững |
Để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho tam nông, Agribank luôn làm tốt công tác huy động vốn, nhất là nguồn vốn từ khu vực dân cư, đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ các dự án… Đó là một nền tảng vững chắc để Agribank luôn đi đầu trong thực hiện các chương trình tín dụng, chương trình trọng điểm, ưu tiên của Đảng và Chính phủ.
Đặc biệt, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, với nhận thức sâu sắc rằng chính điều này mới đem lại thu nhập ổn định cho người dân và giúp Agribank giảm thiểu các rủi ro tín dụng.
Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với việc đảm bảo môi sinh, môi trường. Các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nhiều chương trình tín dụng quan trọng do Agribank triển khai đều gắn với phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. Dư nợ các chương trình này tăng trưởng khá tốt.
Tính đến 30/6/2016, dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt trên 277 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với 2015 và tăng 52,8% so cùng kỳ năm ngoái. Cho vay hộ sản xuất và cá nhân thông qua tổ liên kết với dư nợ đạt trên 58 ngàn tỷ đồng, trên 44 ngàn tổ vay vốn và trên 1 triệu thành viên;
Cho vay tái canh cà phê dư nợ 761 tỷ đồng; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản với dư nợ 1.270 tỷ đồng; Chương trình cho vay thí điểm phát triển chuỗi liên kết và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết 14/2014/NQ-CP của Chính phủ với dư nợ 653 tỷ đồng…
Agribank đã và đang có kế hoạch thế nào để góp phần đảm bảo và duy trì một nền nông nghiệp an toàn, tăng trưởng và phát triển ổn định, thưa bà?
Trên thực tế, Agribank đã tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do WB và các tổ chức tài chính tài trợ như: Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL…
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012) và NHNN Việt Nam có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể như: Ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường - xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...
Để tiếp tục cho vay phát triển nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững, Agribank đặt trọng tâm vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN để điều hành công tác tín dụng đúng hướng, đúng mục tiêu, ưu tiên nguồn vốn hợp lý đảm bảo tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp phù hợp, bền vững;
Đặc biệt đối với chương trình tín dụng xanh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Quyết định 1050/QĐ-NHNN về cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp;
Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản... Đồng thời, Agribank tiếp tục rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới cơ chế chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp theo hướng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp quy định của pháp luật, không đầu tư tín dụng nếu dự án chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, phát triển không bền vững.
Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu trên, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của Agribank, mà còn cần sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, vì vậy, Agribank đề nghị cơ quan Nhà nước các cấp xem xét hoặc tham mưu thẩm định, phê duyệt, đảm bảo tính pháp lý các dự án, phương án vay vốn theo chương trình tín dụng xanh để tạo điều kiện cho Agribank đẩy nhanh tiến độ thẩm định cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, về phía cơ quan quản lý, Agribank đề xuất NHNN xem xét triển khai cụ thể hơn hệ thống các giải pháp toàn diện bảo đảm hệ thống NH có thể phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, mà đối tượng thụ hưởng chính sách là các DN đầu tư vào các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường.
Xin cảm ơn bà!
Hội thao Agribank lần thứ VIII hứa hẹn những thành công Công đoàn Agribank lên kế hoạch tổ chức Hội thao Agribank lần thứ VIII nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2016. Đây là cơ hội để nâng cao thể chất và tinh thần của đoàn viên và người lao động (ĐVNLĐ), tạo khí thế thi đua sôi nổi từ các cơ sở đến toàn hệ thống Agribank để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh doanh năm 2016. Hội thao còn tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích, có tổ chức chặt chẽ nhằm thu hút đông đảo ĐVNLĐ tham gia, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, thể chất và tăng cường giao lưu học hỏi giữa những người lao động trong toàn hệ thống Agribank. Thông qua hội thao, phát hiện và tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào văn hóa thể thao của Agribank. Theo kế hoạch của ban tổ chức, Hội thao Agribank lần thứ VIII có 5 môn thi đấu chính là bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông, bóng bàn. Được chia làm 3 vòng: vòng 1 tại các Công đoàn cơ sở, vòng 2 tại các khu vực và vòng 3 toàn hệ thống. Ngày 21/7, Hội thao Agribank lần thứ VIII sẽ được khai mạc tại Nam Định. Ngay sau đó sẽ có hơn 500 vận động viên xuất sắc của 16 Công đoàn cơ sở, đại diện cho 4.500 cán bộ viên chức người lao động tham gia Hội thao khu vực Đồng bằng Sông Hồng tham gia tranh tài ở các nội dung thi đấu theo kế hoạch. PV |