Đã có bước tiến dài về tính minh bạch
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Sẽ minh bạch hơn | |
Minh bạch nâng cao năng lực cạnh tranh | |
Hướng đi minh bạch hóa thị trường |
Nếu như gần 10 năm trước, thông tin về tập đoàn kinh tế nhà nước là khá ít ỏi thì nay mọi góc khuất của khối này đã minh bạch hơn, kể cả những thông tin về yếu kém, bất cập trong hoạt động của khu vực này. Ngày cả Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi phát biểu kết luận Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN sáng 21/11 cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập của khối DNNN như hiệu quả, đóng góp của nhiều DNNN còn thấp; hay nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn; tính công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát có nhiều vấn đề… Thậm chí Thủ tướng còn sẵn sàng chỉ rõ lãnh đạo DNNN nào có tới 13, 14 cái sân sau.
Ảnh minh họa |
Có thể nói, Chính phủ đã đi được bước tiến rất dài trong việc thể hiện quyết tâm làm trong sạch lực lượng DNNN, để các “anh cả đỏ” đảm nhiệm tốt nhất sứ mệnh của mình. Mọi hoạt động của DNNN đã không còn bị bao phủ bởi lớp sương khói hư hư thực thực của thật, giả, tốt, xấu, lãi, lỗ.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực cổ phần hóa, chỗ nào “đắt”, chỗ nào “ế” đều được công khai. Như năm 2016, còn một số DN tỷ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (chỉ đạt 0,1%); Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood1 (chỉ đạt 4%); Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên (chỉ đạt 0,4%); Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai (chỉ đạt 0,04%). Năm 2017, các DN “ế” là Tổng công ty Phát điện 3 (chỉ đạt 3%); Tổng công ty Sông Đà (chỉ đạt 0,8%); Tập đoàn Cao su Việt Nam (chỉ đạt 21%); Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình (chỉ đạt 4%)…
Đặc biệt là tình hình nợ nần, thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được công khai chi tiết đến từng con số. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có báo cáo. Theo đó, tổng tài sản của các DNNN là 3.001.117 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản. Trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.762.022 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản; các công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 8% tổng tài sản.
Có minh bạch thì mới thấy rõ, nhìn chung, các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 của các DNNN đều có xu hướng tăng lên so với năm 2016. Như vậy, hầu hết các DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực tài chính tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Các DNNN cũng đã đóng góp nguồn thu đáng kể cho NSNN, bao gồm cả phần lợi nhuận sau thuế phải nộp NSNN sau khi trích lập các quỹ theo quy định.
Mới đây, Tổ chức Hướng tới minh bạch (Towards Transparency - TT), cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) đưa ra báo cáo đánh giá việc công bố thông tin của 45 DN lớn nhất Việt Nam (Báo cáo TRAC 2018), bao gồm 15 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 15 DN niêm yết trên sàn chứng khoán và 15 DNNN. Các DN này được lựa chọn dựa trên Danh sách 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2017. Báo cáo được thực hiện trên 3 nội dung, công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng; minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN; công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia. Kết quả, EVN được vinh danh là DNNN minh bạch thông tin nhất và điều này đã khôi phục ít nhiều uy tín cho tập đoàn vốn từ trước đến nay phải chịu rất nhiều điều tiếng trong dư luận.