Hướng đi minh bạch hóa thị trường
Ngay đầu tháng 7/2018 CTCP BĐS Thế Kỷ (CENLand) đã tổ chức buổi roadshow nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư vào CENLand. Dự kiến, DN BĐS này sẽ niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong thời gian tới, qua đó nâng cao tính minh bạch, chất lượng quản trị công ty, hướng đến sự phát triển bền vững và lợi ích dài hạn cho cổ đông.
Các DN BĐS cần tích cực huy động vốn từ TTCK thay vì trông chờ vào nguồn vốn tín dụng |
Năm 2017, CENLand đạt doanh thu hơn 1.115 tỷ đồng, gấp gần 2 lần kết quả 2016. Lãi ròng tăng gấp đôi, đạt 253,3 tỷ đồng. Tổng tài sản ở mức 1.054 tỷ đồng. Trong năm nay, CENLand đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.676 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 320 tỷ đồng, tăng trưởng 26%...
Đại diện CENLand cho biết, công ty đang đẩy mạnh phát triển tại mảng đầu tư thứ cấp với định hướng trở thành nhà phân phối và đầu tư thứ cấp BĐS chuyên nghiệp cùng với hệ thống mạng lưới văn phòng đại diện ở một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Quy Nhơn… DN cũng đang tăng cường kiểm soát nguồn hàng và đẩy mạnh hoạt động bao tiêu, kết hợp đầu tư cho công nghệ.
Trước đó chỉ vài ngày, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) cũng đã giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu HPX đến với đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cuối tháng 9/2018 sẽ chính thức niêm yết trên HoSE. Theo ông Đoàn Hòa Thuận - Phó tổng giám đốc thường trực Hải Phát Invest, việc quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn giúp công ty thu hút nguồn lực tài chính bền vững, đồng thời mở ra cơ hội kết nối và hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính vì vậy, để chuẩn bị quá trình niêm yết Hải Phát Invest thực hiện chuẩn hóa hệ thống tài chính, xây dựng quy trình quản trị chuyên nghiệp cho tới kiện toàn bộ máy nhân sự.
Hiện tại, DN BĐS này đã có sự tham gia của nhiều tổ chức dưới vai trò đối tác chiến lược như Dragon Capital hay HSC. Ngoài ra, Hải Phát Invest đã kiện toàn và xây dựng bộ máy quan hệ cổ đông một cách chuyên nghiệp, hướng tới việc chuẩn hóa và minh bạch hóa thông tin của công ty tới cổ đông.
Sự chuẩn bị rốt ráo của hai DN BĐS kể trên cho quá trình niêm yết trên sàn chứng khoán không nằm ngoài xu hướng minh bạch hóa thông tin, thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho những dự án BĐS quy mô mà không ít DN BĐS thời gian qua hướng đến.
Theo một báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho thấy, trong năm 2017 đã có 11 DN BĐS lên sàn chứng khoán. Nếu tính riêng trong hơn 5 tháng đầu năm 2018, đã có 4 DN lên sàn, trong đó phải kể ra những tên tuổi như Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, Net Land, Văn Phú Invest, Đạt Phương.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều DN BĐS tiếp tục chào sàn như Hưng Thịnh Construction, MBland, và 2 DN nêu trên (Cenland, Hải Phát Invest) đã nhanh chóng đưa thông tin đến với thị trường và nhà đầu tư...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA khẳng định, việc các DN BĐS đã đang và sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán thể hiện hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu cho DN. Quan trọng hơn, hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán và tuân thủ theo các quy định của DN đại chúng về công bố thông tin, giải trình... góp phần minh bạch hóa thị trường, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
“Các DN BĐS đã tái cấu trúc DN, tự điều chỉnh, thay đổi cơ cấu kinh doanh, nguồn vốn, đưa ra các chiến lược phù hợp với tình hình thị trường, ưu tiên đầu tư những dự án có vị trí tốt, hạ tầng giao thông thuận lợi. Hướng vào phân khúc thị trường có khả năng thanh toán như phân khúc bình dân, với mức giá hợp lý phù hợp với nhu cầu thị trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, áp dụng công nghệ thi công tiên tiến và sử dụng vật liệu mới, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, qua đó có thể cạnh tranh về giá cả, chất lượng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2018, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định”, ông Châu cho biết thêm.
Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã hạn chế tín dụng vào BĐS nhằm điều tiết thị trường theo hướng lành mạnh, bền vững hơn. Trong bối cảnh, việc vốn vay ngân hàng được thắt chặt, các chủ đầu tư dần chuyển hướng sang những kênh tiếp cận vốn khác mà trong đó việc một số chủ đầu tư đã niêm yết hoặc chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước, thậm chí huy động vốn trên thị trường trái phiếu nước ngoài cho thấy hướng đi chủ động, tích cực của các DN BĐS Việt Nam trong quá trình tự vươn lên về mặt tài chính và nỗ lực hội nhập quốc tế.