Minh bạch nâng cao năng lực cạnh tranh
Nhà nước độc quyền, không ai có lợi | |
Luật Cạnh tranh (sửa đổi): DN sẽ cạnh tranh bình đẳng trên thị trường |
Vẫn vướng thủ tục hành chính
Sau nhiều năm được công nhận là một trong những nơi có môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất tại Việt Nam, nhưng gần đây môi trường kinh doanh tại TP. Đà Nẵng đã có dấu hiệu suy giảm. Trong đó, có thủ tục hành chính, việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư, DN vẫn còn những khó khăn.
Đà Nẵng đang lắng nghe DN, nhà đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh |
Cụ thể, năm 2017 sau nhiều năm vững vàng ở “ngôi vương”, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Đà Nẵng tụt xuống vị trí thứ 2 với 70,11 điểm (cao hơn năm 2016 nhưng thấp hơn Quảng Ninh).
Trong đó, một số chỉ tiêu giảm điểm như chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin (từ vị trí số 1 xuống thứ 20), cạnh tranh bình đẳng (tụt 19 bậc), tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố (từ vị trí số 1 xuống thứ 6), chi phí không chính thức (từ vị trí số 2 xuống thứ 5)…
Theo ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, những dấu hiệu sụt giảm này đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố, nếu không sớm nhìn nhận và có những giải pháp kịp thời khắc phục.
Mới đây, tại buổi gặp mặt các hội, hiệp hội DN, doanh nhân trên địa bàn thành phố đại diện nhiều DN, hiệp hội đã đưa ra khó khăn, vướng mắc mà mình đang gặp phải. Như đánh giá của các cơ quan chức năng, tính minh bạch và tiếp cận thông tin đang là một trong những vấn đề được nhiều DN, đang làm ăn kinh doanh tại địa phương quan tâm. Hay nói cách khác, một trong những khó khăn mà các DN vẫn đang gặp phải đó chính là vướng mắc về thủ tục hành chính.
Theo ông Lê Minh Phúc - Tổng Giám đốc VinaCapital Đà Nẵng, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, thành phố cần nghiên cứu cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép triển khai các dự án lớn như, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục đất đai, quy hoạch xây dựng… Bởi, thời gian triển khai dự án lâu, kéo dài sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh, đánh mất cơ hội đầu tư của DN.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại miền Trung cũng cho rằng, TP. Đà Nẵng cần làm tốt hơn nữa cải cách hành chính gồm cắt giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Trong đó, có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ tốt các DN cũng như nhà đầu tư.
Trên thực tế, theo đại diện một số DN ở địa phương, việc chỉ số chi phí không chính thức từ vị trí số 2 tụt xuống thứ 5, phản ánh việc vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho DN, nhà đầu tư trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Bởi vậy, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cho rằng, chính quyền nên ban hành các văn bản hành chính dễ hiểu, đơn giản nhưng chặt chẽ, tránh những kẽ hở để người thực thi lợi dụng trục lợi; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu “3 giảm”, giảm thời gian, thủ tục và giảm chi phí cho DN. Đồng thời, phát huy hiệu quả cơ chế một cửa, công khai, minh bạch, bình đẳng đối với các DN cả trong lẫn ngoài nước.
Công khai minh bạch thông tin
Xung quanh những kiến nghị vướng mắc về thủ tục hành chính như các DN đã phản ánh, thể hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP. Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại, sau một thời gian được cải tiến mạnh mẽ. Trên thực tế, chính quyền thành phố cũng đã nhận thấy những khó khăn, và đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
Trong đó, có việc tiếp tục làm thông thoáng hơn các thủ tục hành chính, để hỗ trợ DN cũng như nhà đầu tư. TP Đà Nẵng cũng đã chọn năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, với mục tiêu phát triển cộng đồng DN. Bên cạnh, thành phố còn rà soát điều chỉnh quy hoạch, và cũng đã tổ chức nhiều cuộc bàn bạc thảo luận lấy trưng cầu ý kiến đóng góp của DN… Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả hơn.
Theo ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong thời gian tới thành phố sẽ quan tâm hơn đến công tác cán bộ, sớm nghiên cứu cơ chế để khuyến khích sự năng động sáng tạo của cán bộ.
Rà soát lại hệ thống lương công chức, có giải pháp tăng thu nhập cho đội ngũ công chức để tránh tham nhũng, xử lý nghiêm minh những vi phạm, không từ bất cứ ai. Góp phần xây dựng được chính quyền đổi mới, năng động sáng tạo gần dân và sát cánh cùng DN. Tập trung cải thiện chỉ số quan trọng như tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai...
Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, để công khai minh bạch thông tin đối với DN, theo ông Phan Hải - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng, thành phố cần đầu tư mạnh hơn cho cổng thông tin điện tử thành phố. Để trở thành kênh thông tin tích hợp của chính quyền hỗ trợ cho DN hiệu quả nhất.
Theo đó, cổng thông tin điện tử cần công khai các chính sách hỗ trợ DN, quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu dự án và đặc biệt là những dự án kêu gọi đầu tư… để DN, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tham gia một cách bình đẳng. Tương tự, theo ông Takizawa Satoru, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Đà Nẵng, hiện nay việc tiếp cận thông tin của DN về kế hoạch phát triển của thành phố vẫn còn khó khăn, chính quyền địa phương cần sớm khắc phục những hạn chế này.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với các DN, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, mục tiêu của TP. Đà Nẵng không chỉ là việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI, mà là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được một cách thực chất thông qua việc lắng nghe, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Qua đó, sẽ có những nỗ lực nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ngày càng thuận lợi hơn.