Đại biểu Quốc hội TP.HCM: Muốn có giải pháp đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu
Ngày 17/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với NHNN TP.HCM về hoạt động tín dụng - ngân hàng trên địa bàn những tháng đầu năm cũng như định hướng hoạt động những tháng cuối năm.
Nợ xấu và xử lý nợ xấu cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ghi nhận những nộ lực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù hiện tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn đang cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (3,8% so với 2,66%), tuy nhiên, so với cuối năm 2015 thì hoạt động xử lý nợ xấu đã có những diễn biến tích cực.
Đáng chú ý việc thu nợ bằng tiền chiếm tỷ trọng lớn trên tổng số nợ xấu xử lý được. Điều này một mặt cho thấy, các TCTD trên địa bàn rất tích cực phối hợp với khách hàng để xử lý nợ xấu một cách thực chất; mặt khác chứng tỏ cộng đồng DN trên địa bàn TP.HCM đã có sự phục hồi và tăng trưởng tốt hơn các năm trước trong sản xuất – kinh doanh.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Phú Quốc - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) vẫn tỏ ra băn khoăn về việc bán nợ xấu cho VAMC của các NHTM trên địa bàn thành phố đã giảm khá mạnh. "Liệu có phải cả phía VAMC và phía NHTM đều đang gặp khó khăn trong việc mua bán các khoản nợ còn lại?", ông đặt vấn đề.
Thêm vào đó, theo báo cáo của NHNN TP.HCM, có tới 48% các khoản nợ xấu liên quan đến các vụ án. Việc xử lý các khoản nợ này phải tuân thủ quá trình tố tụng, thi hành án... nên mất nhiều thời gian. Một số khoản nợ lớn, nợ kéo dài 5-6 năm không xử lý được. Tuy nhiên, ngay trong phần kiến nghị các giải pháp để xử lý nợ xấu nhanh hơn của mình, NHNN TP.HCM cũng chưa nêu rõ được những khúc mắc chính nằm ở chỗ nào trong quá trình thực thi các vụ án liên quan đến nợ xấu để tìm hướng xử lý.
Đồng tình như vậy, đại biểu Nguyễn Đức Sáu, Hội Luật gia TP.HCM nhấn thêm, ngành Ngân hàng cần kiến nghị rõ những giải pháp để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, sở dĩ việc bán nợ cho VAMC hoặc tự xử lý của các NHTM hiện nay đang gặp khó khăn là vì những khoản nợ xấu còn lại phần nhiều đều “dính” vào các vụ án. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương nơi có tài sản đảm bảo của nợ xấu là không được liên tục và không có chế tài ép buộc. "Khi các NHTM đề nghị phối hợp để xử lý tài sản đảm bảo thì hầu hết các cơ quan cấp xã, huyện đều không coi đó là nhiệm vụ của mình mà chỉ làm việc trên tinh thần “tranh thủ”, “hỗ trợ”", ông Tùng cho biết.
Không những vậy, nhiều hồ sơ vụ án liên quan đến nợ xấu khi ra đến tòa án thì dính líu đến nhiều địa phương (quận, huyện); các NHTM đều phải “chạy đi chạy lại” nhiều lần, xử đi xử lại nhiều nơi mới có kết quả.
Chưa kể các quy định về trình tự tố tụng hiện nay gây cản trở lớn cho các NHTM khi xử lý tài sản đảm bảo, bởi chỉ cần khách hàng chủ nợ rời bỏ nơi cư trú, không tham gia vào quá trình tố tụng là phía NHTM đành phải “ngâm” hồ sơ lại. Đến khi tìm được chủ nợ thì mọi quy trình tố tụng lại phải thực hiện lại từ đầu, mất rất nhiều thời gian và chi phí.
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN TP.HCM cho rằng, trong thời gian ngắn tới đây, NHNN TP.HCM sẽ chỉ đạo tất cả các TCTD trên địa bàn thực hiện báo cáo chi tiết về các kết quả xử lý nợ xấu, đồng thời nêu ra những kiến nghị cụ thể về giải pháp thúc đẩy xử lý nợ. Trong đó có những kiến nghị về sửa đổi các văn bản pháp luật cũng như các kiến nghị về cơ chế phối hợp thi hành án liên quan đến nợ xấu. Sau khi các NHTM hoàn thiện các báo cáo, kiến nghị này, NHNN TP.HCM sẽ tổng hợp thành một bản kiến nghị chung để Đoàn đại biểu TP.HCM nắm rõ tình hình.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh mấy vấn đề chính mà ông đề nghị ngành Ngân hàng tại TP.HCM tiếp tục quan tâm, triển khai thực hiện.
Thứ nhất, phải đánh giá kỹ hơn mức độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn gắn với mức tăng trưởng kinh tế chung của thành phố để tiếp tục hỗ trợ TP.HCM phát triển.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, giải quyết những phát sinh đến từ hoạt động ngân hàng để tạo niềm tin cho người dân gửi tiền, kích thích khả năng huy động vốn.
Thứ ba, cần đầu tư sâu hơn vào khối DNNVV, DN khởi nghiệp, DN thuộc 9 lĩnh vực dịch vụ ưu tiên của TP.HCM…
Cuối cùng, ông yêu cầu NHNN TP.HCM sớm tập hợp các kiến nghị từ các NHTM để có giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới.