Đại biểu Trần Du Lịch: Nên trích từ nguồn CPH DNNN để xử lý nợ xấu
Đại biểu Trần Du Lịch |
Ông đánh giá như thế nào về tình trạng nợ xấu hiện nay?
Trong 3 năm trở lại đây, khi xuất hiện vấn đề nợ xấu thì NHNN đã tập trung các giải pháp trong khả năng của mình để xử lýmột cách tích cực và có hiệu quả.
Tuy nhiên, tôi cho rằng tình hình hiện nay đòi hỏi cần có những giải pháp hỗ trợ lớn hơn từ phía Chính phủ chứ không chỉ riêng ngành Ngân hàng. Như tôi đã nói, nợ xấu bản chất của nó không có gì xấu mà nó là chuyện bình thường với TCTD, nhưng khi nó đã trở thành vấn đề với kinh tế vĩ mô thì nó đã vượt chính sách của hệ thống ngân hàng và TCTD.
Chúng ta đã dùng biện pháp trích lập dự phòng rủi ro bằng lợi nhuận. Những năm đầu, khi ngân hàng có lợi nhuận tốt thì trích lập tốt nhưng nếu trích lập lớn quá sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, trong khi các NHTM lại chịu áp lực lớn của cổ đông về cổ tức, về cạnh tranh và về giá trị cổ phiếu... Qua đó, không tránh khỏi hiện tượng các NHTM giấu bớt nợ xấu đi nếu giấu được, do vậy luôn luôn có phần chênh lệch giữa đánh giá của NHTM với kết quả thanh tra của NHNN.
Với cái gốc như vậy, rõ ràng chúng ta không thể cứ tiếp tục bằng biện pháp trích lập dự phòng rủi ro. Đó là lý do tại sao người ta phải giấu nợ xấu.
Vậy các biện pháp xử lý nợ xấu hiện nay đang gặp phải vướng mắc gì, thưa ông?
Biện pháp xử lý, thu nợ và bán tài sản hiện nay bị nghẽn do thủ tục hành chính. Có ngân hàng nói với tôi phải mất 4-7 năm mới có thể xử lý được một tài sản đảm bảo. Thời gian kéo dài như vậy cho thấy pháp luật dân sự hiện nay đang bảo vệ con nợ, trong khi quy định bảo vệ quyền của chủ nợ quá yếu. Ví dụ, khi con nợ không hợp tác khiến thủ tục xử lý tài sản đảm bảo bị "nghẽn", dù ngân hàng có muốn bán dưới giá, thà mất phần nào vốn nhưng cũng không làm được...
Vậy cần phải làm thế nào để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu?
Theo tôi, về nguyên tắc, nợ xấu là một sản phẩm của thị trường thì chúng ta phải dùng thị trường để giải quyết, vai trò của nhà nước chỉ tác động mà thôi, không dùng cơ chế làm thay được.
Do vậy, phải khai thông thị trường mua bán nợ để làm sao VAMC và các công ty mua bán nợ khác có thể tham gia được và giải quyết dứt khoát tài sản thế chấp theo hướng thị trường. Ví dụ, tài sản thế chấp đáng giá 100 đồng, cho vay 70 đồng. Nếu tôi bán 50 đồng, 40 đồng, thậm chí đến khi bán được để có giá trị thực và thà như vậy để làm sạch bảng kế toán chứ như thế này không thể làm sạch và nếu cứ kéo dài dây dưa này giống như bệnh không có thuốc đúng liều sẽ nhờn thuốc và sẽ biến chứng.
Thưa ông, có ý kiến đề xuất dành một khoản ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu, quan điểm của ông như thế nào?
Theo quan điểm của tôi không nên dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu bởi hiện nay Chính phủ vẫn còn có nhiều nguồn để mượn nhằm giải quyết chuyện này mà không cần dùng đến ngân sách. Đơn cử như quỹ cổ phần hóa, các quỹ tập trung, tiền nằm ở SCIC, tại sao chúng ta không trích, mượn một thời gian để xử lý vấn đề này?
Các nước có thể dùng ngân sách nhà nước để mua lại các khoản nợ hoặc các ngân hàng để vực các ngân hàng lên, sau đó, khi thị trường ổn định, nhà nước sẽ chuyển giao các ngân hàng này và thu tiền về. Tương lai nhà nước sẽ thu tiền về, nhà nước sẽ lấy lại hết chứ không mất đâu cả. Vậy tại sao không lấy nguồn này ra để làm trong khi ngân sách đang bội chi.
Việc sử dụng ngân sách nhà nước chỉ khi chúng ta không còn nguồn, chứ còn nguồn thì tại sao không làm. Vấn đề là chủ trương cho làm. Ví dụ, Quốc hội có thể cho Nghị quyết cho phép Chính phủ sử dụng các nguồn đang thuộc diện quản lý để mượn làm việc này chứ không phải dựa vào ngân sách nhà nước.
Trần Hương ghi