Đảm bảo quyền lợi cho cá nhân có quyền
Hà Nội: Sẽ tăng cường thanh kiểm tra việc cấp GCN QSDĐ | |
Các trường hợp không được phép tách thửa đất |
Ảnh minh họa |
Theo đó, việc ghi tên các thành viên trong gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân, minh bạch tài sản. Mặt khác quy định này cũng phù hợp với nội dung quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư này là phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 98 của Luật Đất đai (thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện).
Quy định này nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất; do khi xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình chưa xác định rõ các thành viên có chung quyền sử dụng đất nên không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai của hộ gia đình...
Chị Hồ Phương Nga (Thanh Xuân) thẳng thắn, quy định này là hết sức cần thiết để tránh những tranh chấp về đất đai, nhà ở sau này, đặc biệt là đối với các hộ ở chung cư cũ, các hộ chia tách...
“Đơn cử như căn nhà tôi đang ở tại phố Nguyễn Quý Đức chủ cũ đã chia căn hộ gốc làm 3 căn nhà riêng lẻ mỗi căn khoảng 20m2 để bán. Điều này có nghĩa là 3 cặp vợ chồng, 6 nhân khẩu có quyền, lợi ích như nhau trên sổ đỏ gốc thế nhưng với quy định cũ chúng tôi không thể “có tên” trên sổ đỏ được, và đương nhiên quyền lợi cũng không thể đảm bảo tối đa được. Nhưng với quy định mới thì khác, chúng tôi sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trên sổ đỏ”, chị chia sẻ.
Còn theo bác Văn Hồng Phương (Đống Đa), Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, khi ghi Giấy chứng nhận thì chỉ thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Do vậy, các thành viên khác trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất thì không ghi trên giấy chứng nhận.
Điều này đồng nghĩa với việc ai có quyền hợp pháp với đất và tài sản trên đất thì được ghi tên trên sổ và được pháp luật thừa nhận. Đây cũng là cách làm hết sức tiến bộ, giúp làm giảm thiểu các tranh chấp về đất đai cũng như làm minh bạch hoá hơn lĩnh vực đầy phức tạp này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, ghi tên thành viên gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp chặt chẽ về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, điều này không đặt thêm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Trong thông báo mới nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, quy định này nhằm khắc phục những tranh chấp, mâu thuẫn đất đai giữa các thành viên trong gia đình khi thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất.
Trước đó, các thành viên có chung quyền sử dụng đất chưa được xác định rõ, nên không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai. Quy định cũng sẽ bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất.
Điều này sẽ giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Bên cạnh đó, người dân cũng không cần thực hiện thêm các thủ tục hành chính, mà vẫn đảm bảo sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình theo quy định.