“Đầu tàu” dẫn vốn vào Tam nông
Lực đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Đối với người nông dân ở bất kỳ miền quê nghèo nào trên cả nước, có được cả trăm triệu đồng trong tay là niềm mơ ước vô cùng lớn. Vậy mà, điều đó nay đã trở thành hiện thực đối với hàng triệu hộ nông dân khi có người bạn đồng hành Agribank.
Đồng vốn Agribank không chỉ giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo mà còn giúp nhiều gia đình đổi đời |
“Đã từ lâu nay, Agribank luôn là người bạn tin cậy, điểm tựa vững chắc đối với bất kỳ nhà nông nào…”, anh nông dân Lê Văn Lập – thôn Trung Xá – xã Kiêu Kỵ - huyện Gia Lâm đã nói với chúng tôi như vậy. Ngân hàng đầu tiên anh nghĩ tới khi cần vốn để làm ông chủ trang trại là Agribank chi nhánh Gia Lâm. Lý do quyết định bắt đầu khởi nghiệp bằng đồng vốn của Agribank được anh Lập chia sẻ, là do anh thấy hầu hết hộ gia đình có kinh tế khá đều nhờ vay vốn của Agribank!
Sau khi được xét duyệt nguyện vọng, thẩm định hồ sơ đủ điều kiện vay vốn, anh Lập đã vay 400 triệu đồng. “Đối với vợ chồng tôi có trong mơ cũng không nghĩ được ngân hàng cho vay với số tiền lớn như vậy”, anh Lập xúc động nói. Và đến nay, sau 3 năm sử dụng vốn vay ngân hàng, doanh thu các loại quả tại vườn đã mang lại cho ông chủ trang trại hàng trăm triệu đồng/năm. Riêng trong năm 2014, con số này là 1 tỷ đồng.
Còn người cựu chiến binh Mai Xuân Đông (xóm 5, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, Nam Định) sau khi trở về quê hương lại miệt mài cuộc sống mưu sinh. Gia đình ở nông thôn nhưng ít đất canh tác, lại không có nghề, nên cuộc sống rất khó khăn. “Cũng may, vào thời điểm đó, Agribank đã đồng ý cho vay tiền đầu tư chăn nuôi. Nhờ nguồn vốn đó, gia đình đã có điều kiện để tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống”, ông Đông chia sẻ.
Ban đầu ông chỉ dám vay 1 triệu đồng, cứ lần hồi vay lại trả. Làm ăn ngày càng phát triển, số tiền vay tăng dần lên. Và hiện tại ông Đông đang vay Agribank 50 triệu đồng để nuôi hơn 100 con vịt, gần chục con lợn, rồi gà đẻ trứng. Hiện ông đã có “thâm niên” 15 năm quan hệ tín dụng với Agribank.
Dù là ở đồng bằng hay phải “cõng” vốn lên non, cán bộ tín dụng Agribank cũng không quản ngại khó khăn. Với bà con dân tộc Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, đồng vốn ngân hàng giúp đời sống bà con nơi đây có một bước “đại nhảy vọt”. Bởi chỉ hơn chục năm trước đây thôi, hàng vạn đồng bào Vân Kiều nơi này còn nghèo xơ nghèo xác. Một năm có tới 9 tháng thiếu đói, chỉ 3 tháng đủ ăn, chính quyền phải liên tục cứu trợ.
Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi nhờ nguồn vốn đầu tư của Agribank Quảng Trị cho Công ty Thương mại Quảng Trị xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn, thu mua sắn của bà con. Không những vậy, công ty còn tổ chức dạy bà con cách trồng sắn đúng kỹ thuật hiện đại. Hàng nghìn hộ gia đình Vân Kiều đi theo mô hình của công ty, tạo thành một cuộc “cách mạng nông nghiệp” thực sự trên vùng đất nghèo này… Cũng nhờ vốn ngân hàng mà DN đã mang cuộc sống ấm no về cho bà con nông dân tại nhiều huyện miền núi nghèo của tỉnh.
Phó chủ tịch UBND xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế nhớ lại, trước kia, nơi đây là cả vùng phủ một màu cát trắng. Song nhờ chủ trương phát triển rừng của huyện, bà con được đầu tư cấp đất, nhất là được hỗ trợ đắc lực về nguồn vốn của Agribank, vùng đất này đã được khoác màu áo mới xanh mướt, nhiều hộ gia đình có điều kiện làm giàu ngay trên quê hương.
Hộ ông Phan Lai Đức là một điển hình làm giàu thành công ở đây. Với khoản vốn giắt lưng ít ỏi, năm 2011 ông Đức mạnh dạn vay thêm 300 triệu đồng từ Agribank Quảng Điền để xây dựng cơ sở hạ tầng, đào ao nuôi cá, bắt đầu mở rộng sản xuất. Hiện nay trang trại tổng hợp của ông Đức đang có 9.500 con gà, 200 con lợn, 1,2 ha ao cá… năm 2014 cho doanh thu 2,4 tỷ đồng.
Để bà con nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận vốn, thời gian qua, Agribank chú trọng thiết kế các sản phẩm tín dụng mới, thiết thực đáp ứng nhu cầu đa dạng. Ví như sản phẩm cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, cho vay lưu vụ...
Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ cùng nỗ lực của cán bộ ngân hàng, đến 31/12/2015 dư nợ tín dụng Agribank đạt hơn 673 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2014, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 73%.
Với nguồn vốn lớn được đầu tư từ Agribank trong thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn tại hầu khắp các tỉnh thành cả nước đã có những bước phát triển đột phá, như hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa, các mô hình liên kết trong sản xuất kinh doanh, nông nghiệp công nghệ cao… Nhờ vậy, đã tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, tạo “lực đẩy” giúp nhiều người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
“Đầu tàu” triển khai tín dụng chính sách
Không chỉ giữ vai trò chủ lực trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn là “đầu tàu” triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, của NHNN. Có thể thấy ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã chủ động phối hợp với NHNN, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ-TTg và giải pháp triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ trên toàn hệ thống.
Và mới đây nhất, khi Nghị định 55/2015/NĐ-CP “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” với nhiều cơ chế mới thông thoáng và thiết thực hơn ra đời, Agribank đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn nhằm đáp ứng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, ngân hàng tích cực phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định đến toàn bộ đội ngũ nhân viên trong toàn hệ thống, ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể, đặc biệt Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... phổ biến sâu rộng nội dung Nghị định 55.
Các chính sách từ đây đã mở ra cơ hội mới khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tiến tới cơ giới hóa đồng ruộng, nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm. Nhất là, đã tạo ra những mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sự cạnh tranh cho sản phẩm…
Và chỉ trong thời gian ngắn triển khai, đến 31/12/2015, dư nợ cho vay theo Nghị định 55 ước đạt 215 nghìn tỷ đồng. Với những kết quả bước đầu đó, Agribank kỳ vọng tạo ra những bước đột phá cho tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Hay như với Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Agribank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong đẩy mạnh cho vay đóng và cải hoán tàu đánh cá nhằm hỗ trợ “tiếp sức” ngư dân bám biển.
Đến hết tháng 12/2015, số vốn giải ngân cho ngư dân của Agribank đạt trên 355 tỷ đồng, với trên 100 tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đã được đóng mới, nâng cấp. Một trong những chương trình tín dụng chính sách Agribank được giao là ngân hàng chủ lực triển khai đó là cho vay ưu đãi để tái canh cây cà phê. Agribank cam kết sẵn sàng nguồn vốn tín dụng cho vay tái canh cây cà phê giai đoạn 2014 - 2020 từ 12.000 - 15.000 tỷ đồng và trên thực tế triển khai, Agribank đã và đang triển khai hiệu quả chương trình này.
Ngoài ra, Agribank còn thể hiện tính tiên phong, chủ lực trong triển khai các chương trình hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lương thực, cà phê; Cho vay tạm trữ thu mua lương thực, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; triển khai thí điểm cho vay cánh đồng mẫu lớn và chuỗi liên kết sản phẩm thủy sản, sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên cả nước…
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Agribank tiếp tục là TCTD dẫn đầu triển khai tại 8.967 xã, dư nợ 247.690 tỷ đồng, với 2.489.759 khách hàng còn dư nợ… Qua đó, ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu là kênh dẫn vốn chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thay đổi diện mạo khu vực này, đồng thời góp phần đắc lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2015, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh đã đánh giá cao vai trò của Agribank trên thị trường tài chính, nhất là đối với sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank đã khẳng định được vị thế của một ngân hàng lớn, mang tầm vóc quốc gia.
Để tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng đối với khu vực này, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, năm 2016 và những năm tiếp theo, ngân hàng tiếp tục củng cố, ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; nâng cao khả năng cạnh tranh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn vay có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh…
Hoạt động kinh doanh năm 2015 của Agribank đạt được những kết quả đầy ấn tượng. Agribank tiếp tục dẫn đầu các NHTM với tổng tài sản có lớn nhất đạt trên 874.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đạt trên 804.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ cho vay đạt trên 673.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2014. Thu dịch vụ tăng 14,6%, đạt mục tiêu Đề án tái cơ cấu đề ra. Nợ xấu 2%.
Agribank kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận trước thuế năm 2015 vượt kế hoạch đạt 3.700 tỷ đồng; tiếp tục tiên phong, chủ lực triển khai tín dụng chính sách, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn…