Đẩy mạnh quản trị theo chuẩn mực quốc tế
Ảnh minh họa |
Sau khi thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 hệ thống đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, ngăn chặn được nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia NH, trong thời gian tới bên cạnh việc thực hiện tăng vốn, thì cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro (QTRR), đặc biệt là ứng dụng các chuẩn mực quốc tế để hệ thống NH mạnh hơn, hoạt động bền vững, hiệu quả hơn.
Thông điệp của NHNN cho thấy, từ năm 2016 các TCTD phải nâng cao một bước trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị, kinh doanh.
Thực tế cho thấy, trong khi hệ thống NH ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basell III thì mới đây, ở Việt Nam đã có 10 NHTM được chọn thí điểm Basel II. Đến năm 2018, cả 10 NH sẽ hoàn thành việc thí điểm này, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các NHTM khác trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng
Theo PGS-TS. Lý Hoàng Ánh – Trường Đại học NH TP. Hồ Chí Minh: để giúp đỡ các NHTM giảm thiểu khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng Basel, NHNN cần đề ra những phương pháp nâng cao hiệu quả trong việc hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, nâng cao hệ thống cơ sở dữ liệu, xử lý vướng mắc của hệ thống các NH; kết hợp với tổ chức các diễn đàn, hội thảo thúc đẩy hợp tác giữa các NH Việt Nam với các NH nước ngoài.
QTRR tốt, mỗi NH sẽ có một nền tảng vững chắc, tạo đà cho sự phát triển trong tương lai, nâng cao tính cạnh tranh trong hệ thống. Ngoài ra, để tạo tiền đề cho hệ thống NH Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh các mảng công việc. Và theo nhóm nghiên cứu của PGS-TS. Lý Hoàng Ánh thì có 7 vấn đề đặt ra với hệ thống NH trong việc triển khai Basel.
Một là, tự bản thân các các NH Việt Nam cần xây dựng lộ trình triển khai Basel và các chính sách hướng dẫn cụ thể và phù hợp với điều kiện ở Việt Nam để giảm những tác động bất lợi trong quá trình triển khai.
Hai là, nghiên cứu cụ thể và lên kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nguồn tài chính hiện có của các NH Việt Nam để giảm chi phí hoạt động.
Ba là, tiến tới đa dạng hóa nguồn thu thông qua việc tăng tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng.
Bốn là, nên có các chuyên gia phân tích về lượng, dữ liệu, khớp nối đưa vào mô hình, từ đó có thể tiên đoán được cách hành xử của khách hàng đối với mỗi trường hợp cụ thể.
Năm là, cần có những bộ công cụ giúp chuẩn hoá dữ liệu, kiến thức thực tiễn và thiết kế quy trình, mức độ linh hoạt trong hệ thống để có khả năng chỉnh sửa, nâng cấp khi cần thiết.
Sáu là, xây dựng “văn hóa Basel” trong các NH Việt Nam để đáp ứng trước thềm hội nhập AEC theo hình thức và phương châm từ trên xuống dưới, liên kết giữa các phòng, ban bộ phận trong NH.
Bảy là, NHNN có các cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với nhóm 10 NHTM thí điểm thực hiện Basel II. Vì việc triển khai thực hiện Basel là công tác dài hạn, đòi hỏi có sự đầu tư và tốn nhiều nguồn lực.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NH (NHNN) cho biết, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại để xử lý TCTD yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của các TCTD. Đồng thời, tăng cường năng lực tài chính của các TCTD, bảo đảm các NHTM có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn Basel II.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Basel II được xây dựng nhằm đảm bảo nguyên tắc an toàn và ổn định trong hệ thống tài chính phức tạp và năng động như hiện nay. Do đó, cần phải đẩy mạnh thực hiện để đảm bảo cho các NH của Việt Nam thực hiện được theo các chuẩn mực quốc tế.