Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp
Trong những năm gần đây, kinh tế huyện Đông Anh có sự tăng trưởng khá và ổn định. Theo UBND huyện Đông Anh, trong 5 năm gần đây giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn tăng 1,34 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm đạt 8,3%. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn ước đạt 66.831 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Nông dân được hỗ trợ khi mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất |
Đóng góp vào thành tựu chung đó, ngành nông nghiệp huyện Đông Anh được đánh giá là có nhiều đổi mới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Trần Đình Nam cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp Đông Anh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh...
Cùng với đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và đô thị. Sự chuyển dịch lao động từ làm nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp ngày càng nhiều, gây áp lực thiếu lao động nông nghiệp vào chính vụ. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Đông Anh vẫn phát triển ổn định, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn năm 2014 đạt 2.007,9 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 5,5%.
Hiện nay, tổng diện tích trồng trọt của huyện Đông Anh đạt 18.224 ha, nhiều diện tích đất đã được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất cao. Bà con nông dân đã áp dụng giống mới và các quy trình canh tác tiên tiến.
Đến nay, huyện đã quan tâm đầu tư cho cơ giới hóa nông nghiệp, thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn huyện có trên 85 hộ nông dân được mua máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất với số tiền vay trên 100 triệu đồng. Chăn nuôi được phát triển theo phương pháp công nghiệp, an toàn sinh học, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt những năm gần đây, kinh tế trang trại phát triển theo hướng đa dạng và hiệu quả hơn.
Có thể khẳng định, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Đông Anh ngày càng phát triển và dần khẳng định được vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nội ngành nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt với sự hỗ trợ vốn đầu tư của NH các mô hình trang trại ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây là cơ sở tạo ra khối lượng lớn về mặt giá trị, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Đông Anh.
Hiện toàn huyện có 203 trang trại, giá trị bình quân một trang trại đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Với việc mở rộng kinh tế trang trại là bước phát triển về chất của kinh tế nông hộ với việc sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, tiền vốn và lao động, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Trần Đình Nam cho rằng, để có được thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển mô hình trang trại, thời gian qua có sự đóng góp lớn của ngành NH trên địa bàn, trong đó Agribank chi nhánh Đông Anh đóng vai trò chủ lực. Vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân vươn lên sản xuất kinh doanh mang lại thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Ông Trần Văn Hiệu, thôn Cổ Dương, Tiên Dương (Đông Anh) cho biết, gia đình đã được tạo điều kiện vay vốn NH để mở rộng phát triển mô hình trang trại và từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương. Đến nay trang trại của gia đình nuôi trên 20.000 gà đẻ trứng và 10.000 gà bố mẹ. Gia đình ông Hiệu còn vay vốn đầu tư thêm hơn 15 sào ao nuôi cá.
Đại diện Agribank chi nhánh Đông Anh cho biết, với vai trò là NH phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân, Chi nhánh luôn lấy việc phát triển tín dụng nông thôn làm kim chỉ nam cho các hoạt động. Trong những năm qua, chi nhánh chú trọng đẩy mạnh việc cho vay theo mô hình trang trại và làng nghề truyền thống.
Theo đó, dư nợ cho vay theo mô hình kinh tế trang trại tăng từ 73,6 tỷ đồng năm 2013 đến nay tăng lên 97,5 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 19,9%. Tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển kinh tế trang trại ở huyện Đông Anh thì tỷ lệ cho vay mô hình này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện số khách hàng làm mô hình kinh tế trang trại vay vốn tại chi nhánh là 81 khách hàng, mới chiếm tỷ lệ 15,4%/ tổng số khách hàng. Do đó, thời gian tới chi nhánh sẽ tích cực đẩy mạnh tín dụng cho vay mô hình này.
Có thể nói, việc đầu tư vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tại huyện Đông Anh phát triển. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp ngày càng tăng. Nhiều vùng nông sản, thủy sản tập trung đã được hình thành và ngày càng phát triển. Vốn tín dụng đã góp phần làm chuyển đổi hàng ngàn ha cây trồng, vật nuôi; từ năng suất, chất lượng thấp đã đạt năng suất chất lượng cao. Nhiều hộ vay vốn đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn.
Ông Trần Đình Nam cho biết, thời gian tới, UBND sẽ tích cực tạo điều kiện cho các NH trên địa bàn, đặc biệt là Agribank chi nhánh Đông Anh đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời yêu cầu các TCTD trên địa bàn cần phối hợp với các sở, ban, ngành và các tổ chức tuyên truyền sâu rộng Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến với bà con nông dân để Nghị định thực sự phát huy hiệu quả.
Ưu tiên xử lý nợ xấu Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, đến 31/10/2015, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đã đạt 768.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2014; dư nợ tăng 9,2%. Cơ cấu nguồn vốn và tín dụng của Agribank được chuyển đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 73,1%; tỷ lệ nợ xấu 2,41%; thu dịch vụ tăng trưởng bình quân 12%/năm; lợi nhuận trước thuế năm 2015 dự kiến đạt trên 3.500 tỷ đồng; các tỷ lệ an toàn hoạt động được đảm bảo… Xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong số các mục tiêu của đề án tái cơ cấu, Agribank đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu. Từ tháng 11/2013 đến nay, đã có gần 300 văn bản về cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ được Agribank ban hành, trong đó có trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, củng cố hệ thống kiểm tra - kiểm toán nội bộ, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường cán bộ hỗ trợ các chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao. Hàng trăm cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm về công tác tín dụng của toàn hệ thống đã được trụ sở chính trưng tập. Các đoàn công tác do các thành viên hội đồng thành viên, thành viên Ban điều hành trực tiếp phụ trách được phân công làm việc tại từng chi nhánh, thực hiện phân tích từng khoản nợ có vấn đề, làm việc với từng khách hàng để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn. NH đã hỗ trợ khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ NH, quyết định phương án xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích, từ đó động viên khách hàng hợp tác trả nợ vay. Tuy có nhiều khó khăn nhưng Agribank đã đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho đối tượng khách hàng ưu tiên do áp trần lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của NHNN. NH cũng chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, đồng thời cũng đã thu hồi được trên 10.000 tỷ đồng đối với nợ đã xử lý rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo tài chính toàn Ngành, đảm bảo đời sống và ổn định tinh thần đối với cán bộ, nhân viên và người lao động. Thanh Thủy |