Để nền kinh tế thêm “xanh”
Tương lai là hoạt động của ngân hàng xanh | |
Ngân hàng xanh: Muốn bền vững, cần phải phù hợp với tương lai | |
Tọa đàm phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam |
Giải pháp “xanh hoá” kinh tế
Những thách thức toàn cầu của thế kỷ 21 như: phát triển dân số, biến đổi khí hậu, nghèo đói, các nguồn lực khan hiếm, đô thị hoá... đòi hỏi chính trị, xã hội và kinh tế của mỗi quốc gia đều phải hành động. Thế giới cũng như Việt Nam, tín dụng xanh, NH xanh là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần gìn giữ, phát triển môi trường - xã hội bền vững. Song, để tín dụng xanh có điều kiện phát triển, mang lại hiệu quả ở Việt Nam, thì mỗi NH cũng cần phải có những nhận thức và giải pháp hành động thiết thực.
Không phải bỗng dưng mà hơn 80 NHTM trên khắp thế giới đã tình nguyện thực hiện nguyên tắc Xích đạo - bộ tiêu chuẩn khuôn khổ quản lý rủi ro tín dụng nhằm xác định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động tài trợ dự án một cách hệ thống. Những định chế tài chính tham gia với nguyên tắc này đều chung mong muốn đồng vốn họ tài trợ cho các dự án được triển khai một cách hiệu quả cả về mặt kinh tế cũng như đảm bảo trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Môi trường kinh tế - xã hội bền vững hơn nhờ tín dụng xanh |
Tại Việt Nam, từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg). Để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, NHNN cũng đã có Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành NH thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Theo đó, cơ quan quản lý đã đề cập tới việc triển khai hệ thống giải pháp toàn diện đảm bảo hệ thống NH phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đối tượng hưởng lợi là các DN đầu tư vào các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường.
WB, IFC, ADB - những đối tác của NHNN và có hiện diện tại Việt Nam đều đã có những bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội đối với các đối tác vay vốn dự án hoặc nhận tài trợ đều phải tuân thủ. Theo chuyên gia tài chính, cách mà các tổ chức tài chính quốc tế trên áp dụng khiến họ cũng phải tự “chuẩn hoá” mình, khắt khe với đơn vị mình trong trách nhiệm với môi trường - xã hội.
Lãnh đạo tới từ NH Commerzbank - một trong những tổ chức cung ứng vốn lớn nhất trên thế giới cho năng lượng tái tạo - đã chia sẻ rằng, NH xanh là vấn đề của sự bền vững. Và tính bền vững sẽ liên quan tới các mô hình kinh doanh có đạo đức, tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng tới thông lệ và hoạt động của NH.
Nhận thức đủ, để hành động đúng
Chỉ thị 03 của NHNN nêu rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành NH cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khoẻ con người, đảm bảo phát triển bền vững. Thông điệp phát đi từ nhà điều hành, cùng với việc nhận thức về môi trường sống tác động trực tiếp và lâu dài tới kinh tế đã khiến cho các NHTM tại Việt Nam ngày càng có ý thức hơn với việc phát triển kinh tế song hành với việc bảo vệ môi trường.
Nhiều NHTM tại Việt Nam đã và đang tiến hành thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội như: năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, quản trị nguồn nước và rác thải... NH Chính sách xã hội với hàng loạt chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những dòng tín dụng xanh giúp nâng cao, cải thiện đời sống nhân dân, góp sức vào gìn giữ môi trường xã hội.
Hay như VietinBank, NH này đã có hợp tác với IFC trong các dự án tài trợ năng lượng để có thể thẩm định, cho vay với những dự án tiết kiệm năng lượng, xây dựng các sản phẩm năng lượng với hình ảnh “NH xanh”. Sacombank, ABBank cũng là nhà băng nhận được hỗ trợ từ phía IFC trong việc tham khảo để hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Đại diện của một NH cho biết: Không chỉ bản thân NH phải nhận thức về tăng trưởng xanh, mà phải làm sao cho các khách hàng của mình cũng hiểu về vấn đề này. Nên chuyện nâng cao ý thức, giáo dục, đặc biệt đối với thế hệ trẻ là sự đầu tư cần thiết để phát triển tăng trưởng xanh trong tương lai…
Việc xác định rủi ro sinh thái, xã hội và đưa những rủi ro này vào chiến lược và hoạt động quản trị rủi ro chung của NH là điều vô cùng cần thiết. Nhưng tại Việt Nam, điều này vẫn còn nhỏ lẻ, chưa phổ biến. Các NHTM mới chủ yếu dừng lại ở việc cho vay hoặc tài trợ với những dự án vì môi trường, tiết kiệm năng lượng... chứ chưa có tiêu chuẩn rõ ràng về quản trị rủi ro môi trường.
Những lợi ích mà tín dụng xanh có thể mang lại cho các NHTM là vô cùng lớn. Lãnh đạo một NHTM chia sẻ rằng, nó không chỉ giúp các nhà băng tăng cường các sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường mà còn cải thiện được chất lượng tín dụng thông qua việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Thêm nữa, phát triển tín dụng xanh, hướng tới NH xanh cũng là bước đi thông minh để nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định thương hiệu, thu hút thêm được nhiều nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế. Quan trọng là cả NH và DN phải chấp nhận “thiệt” một chút, vì chi phí ban đầu trong đầu tư xử lý môi trường, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường... là khá lớn. Không có lợi nhuận sẽ không thể phát triển bền vững, nhưng ngược lại, lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều nếu đảm bảo được tính bền vững.
Tín dụng xanh là những khoản tín dụng mà NH cấp phát cho các dự án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường - xã hội. Đây là xu thế chung của thế giới. Bởi đơn giản, nếu mỗi DN chỉ quan tâm tới lợi nhuận, con người, mà quên đi hoặc bỏ qua những tác động tiêu cực tới môi trường thì sẽ rất khó để bền vững. Phát triển tín dụng xanh, NH xanh góp phần đảm bảo sự phát triển cân bằng, hài hoà giữa kinh tế, môi trường và xã hội. |