Tọa đàm phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Buổi Tọa đàm nằm trong khuôn khổ hợp tác triển khai Dự án “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính, tín dụng của các NHTM phục vụ tăng trưởng xanh” NHNN và tổ chức GIZ (thuộc Cộng hòa Liên bang Đức). Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo phát triển bền vững ngành Ngân hàng nhấn mạnh, ngành Ngân hàng có vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Hiện nay, vấn đề ngân hàng xanh, tín dụng xanh được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Sản phẩm tín dụng xanh của các nước trọng tâm hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên này tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.
Tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường. Tuy vậy, tại Việt Nam hoạt động này còn mới mẻ, các giải pháp về tài chính xanh, ngân hàng xanh còn ít và chưa được triển khai rộng rãi trong toàn Ngành. Nhìn chung, các ngân hàng thương mại chưa nghiên cứu kỹ vân đề này và chưa đẩy mạnh triển khai cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh cho khách hàng của mình. Ngoài ra, khung pháp lý hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh, ngân hàng xanh còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc triển khai hoạt động này tại Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Do đó, buổi Tọa đàm này được tổ chức nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo “Ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam”. Từ đó, thấy được xu hướng chung, tình hình phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh trên thế giới, cũng như thực tiễn hoạt động này tại Việt Nam. Đồng thời, Tọa đàm sẽ góp phần hoàn thiện và đưa ra các khuyến nghị, đề xuất về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, tiến sỹ Krakopski, Cố vấn trưởng – Giám đốc chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh GIZ cho biết, trong khuôn khổ hợp tác phát triển giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam, Chính phủ Liên bang Đức đã thông qua Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển BMZ, trong đó GIZ là cơ quan đại diện tại Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ được giao, GIZ đã có nhiều buổi làm việc với các Bộ, Ngành của Việt Nam về vấn đề tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh.
Đối với ngành Ngân hàng, tín dụng xanh, ngân hàng xanh có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường. Tại buổi Tọa đàm này, GIZ sẽ cung cấp và trao đổi với các đại biểu về tình hình, kinh nghiệm và giải pháp của các nước trong việc thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Trong thời gian tới, GIZ sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Đối với dự thảo Báo cáo “Phát triển Ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam” do Viện Chiến lược phát triển Ngân hàng soạn thảo, đã cung cấp tương đối đầy đủ thông tin, kiến thức tổng quan về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, tài chính xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh; Vai trò của tín dụng xanh và kinh nghiệm của các nước về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh; thực trạng triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam.
Các đại biểu dự Tọa đàm đã đóng góp nhiều ý kiến vào việc hoàn thiện các giải pháp triển khai thực hiện tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh, ngân hàng xanh; Xây dựng danh mục khuyến khích, hạn chế và cấm đầu tư tín dụng; Xây dựng chuẩn về môi trường tín dụng xanh; Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển tín dụng xanh; Chính sách ưu đãi về thuế và ổn định đầu ra đối với các dự án đầu tư xanh; Vấn đề phối hợp của NHNN với các Bộ, ngành liên quan trong việc hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường, xã hội đối với các dự án tín dụng xanh; Lộ trình và tổ chức thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam…