Để nông nghiệp hữu cơ cất cánh
Bệ đỡ vững chắc cho nền nông nghiệp hữu cơ | |
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ |
Nhiều khó khăn
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam, diện tích NNHC ở Việt Nam đang được mở rộng, tổng diện tích sản xuất hữu cơ tăng 35% từ năm 2015 là 76.666 ha đến cuối năm 2016 là 118.755 ha, tới cuối năm 2018, ước tính có gần 12 nghìn ha sản xuất NNHC. Không chỉ gia tăng diện tích sản xuất mà các sản phẩm NNHC cũng phong phú và đa dạng hơn nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như: quế, gừng, tỏi, chè, gạo, sữa, điều... đây là xu thế phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Cơ hội cho phát triển NNHC ở Việt Nam là rất lớn |
Theo các chuyên gia, cơ hội cho phát triển NNHC ở Việt Nam là rất lớn do nhu cầu về sản phẩm an toàn, chất lượng cao ở thị trường nội địa và xuất khẩu ngày càng cao. Thực tế đã có sản phẩm hữu cơ xuất khẩu ra các thị trường như Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Singapore... với giá gấp 3-4 lần nông sản bình thường.
Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ. Ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam chia sẻ, người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về NNHC và sản phẩm hữu cơ. Hạ tầng phụ trợ cho NNHC hầu như chưa có. Về tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ, phí chứng nhận quốc tế quá cao, trong khi TCVN mới ban hành…
Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc CTCP sản xuất Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, là DN đang xuất khẩu sản phẩm hoa hồi và quế sang thị trường EU, DN này phải bỏ ra khoản chi phí gần 4 tỷ đồng để xin chứng nhận hữu cơ quốc tế Organic. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có đơn vị nào chứng nhận.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm NNHC còn nhiều khó khăn, chi phí bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài quá cao nên DN nhỏ không gánh nổi. Do đó, mặc dù nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ trên thế giới là rất lớn, nhưng chính DN Việt lại khó nắm bắt.
Ở khâu sản xuất, ông Phạm Ngọc Khoa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho hay: Đồng đất Quản Bạ có một số vùng đất có thể phát triển NNHC như rau củ quả, cây dược liệu. Nhưng khó khăn lớn nhất của quy trình NNHC là quy trình chăm sóc để tạo ra sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa của nó.
Hiện, huyện Quản Bạ đang tập huấn và hướng dẫn cho bà con theo hướng cầm tay chỉ việc, hướng dần sản phẩm đang sản xuất thuần bây giờ sang các sản phẩm hữu cơ để cung cấp cho thị trường. Việc này cũng không dễ vì người dân sản xuất theo phương pháp thuần nên nhanh tạo ra sản phẩm, nhanh tạo ra thu nhập nhưng lại sử dụng khá nhiều các sản phẩm hóa học.
Cạnh đó, trong khi sản xuất NNHC vất vả hơn và việc chấp nhận của người tiêu dùng không dễ. Hay nói cách khác, sản phẩm NNHC kén khách hàng tiêu dùng, dẫn đến sản phẩm khi sản xuất ra thì lượng khách hàng không nhiều như sản phẩm thông thường. Đây là cản trở lớn để người dân có tâm huyết sản xuất thực phẩm theo hướng hữu cơ.
Gỡ khó cho NNHC
Thực tế, nhu cầu sử dụng sản phẩm NNHC ngày càng tăng, đây cũng là xu hướng tiêu dùng chung ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Sản xuất NNHC không chỉ tạo ra sản phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng còn bảo vệ người sản xuất khỏi các tác hại của việc lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giúp duy trì sự đa dạng sinh học của môi trường.
Số liệu mới nhất cho thấy, ở Việt Nam mới có gần 12 nghìn ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản hữu cơ, chỉ chiếm 0,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Cơ hội cho phát triển NNHC là rất lớn nhưng chúng ta đang thiếu rất nhiều danh mục phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho sản phẩm hữu cơ.
Tuy nhiên, có một nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu trong khi đó sản xuất NNHC hiện nay quy mô còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra. Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ.
Mặt khác, ngoài một số ít DN lớn đầu tư vào NNHC thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy định, chính sách hỗ trợ phát triển NNHC của nhà nước. Cùng với việc quản lý quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa rõ ràng nên nông dân gặp khó khăn trong thực hành sản xuất hữu cơ.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa tin tưởng và ít có điều kiện phân biệt sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác. Do đó, nhu cầu thị trường dù cao nhưng sản phẩm hữu cơ vẫn khó tiêu thụ, chỉ các đơn vị có đầy đủ các chứng nhận hợp lệ mới có thể đứng vững trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, Bộ đang xây dựng đề án phát triển NNHC với tầm nhìn dài hạn và sẽ từng bước bổ sung các tiêu chí về chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai nhiều biện pháp khuyến khích sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, chọn sản xuất sản phẩm bản địa đặc sản, kiên quyết không phát triển tràn lan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực học hỏi các nước có nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiên tiến...
GS. Nguyễn Ngọc Kính - Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Chất lượng sản phẩm (Bộ NN&PTNT) kiến nghị: Chỉ làm NNHC theo đơn đặt hàng của nước ngoài hoặc của các siêu thị và DN trong nước. Mặt khác, sản phẩm có giá thành và giá bán rất cao nên cần phải có giải pháp để giảm các loại chi phí này.