Để vững nhịp vươn khơi
Vững tin “đội tàu sáu bảy” | |
Vì sao tàu cá vỏ thép của Đà Nẵng nằm bờ? |
Một trong những ngư dân được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ để đóng mới tàu cá vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng, ông Trần Văn Mười, phường Mân Thái, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, tàu vỏ thép số hiệu ĐNa 90777 – TS đóng mới theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ đã được hạ thủy vào tháng 3/2016.
Tàu có chiều dài 30,8m, rộng 7,5m, cao mạn 3,9m, khoang đá cá 221,3m3, dự trữ nước ngọt 27,4m3, nhiên liệu dự trữ 41,9m3, công suất 822CV, vận tốc đạt 10 hải lý/giờ.
Tổng mức đầu tư toàn bộ con tàu 18,4 tỷ đồng, trong đó, BIDV Chi nhánh Đà Nẵng cho vay 17,3 tỷ đồng, vốn của chủ đầu tư 1,1 tỷ đồng. Tàu làm nghề lưới chụp (mực và cá) tại ngư trường phía nam Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian đi tối đa 30 ngày/chuyến.
Tàu vỏ thép giúp ngư dân an toàn và đánh bắt tốt hơn |
Ngư dân Trần Văn Mười khẳng định, sau khi chạy thử nghiệm và làm các công đoạn còn lại, tàu tiến hành khai thác và đã đạt nhiều kết quả khả quan. Chuyến đi biển đầu tiên, tuy thời gian ngắn nhưng đã thu về khoảng 6 tấn mực, 6 tấn cá, trị giá hơn 250 triệu đồng. Trong khi đó, phí tổn khoảng 100 triệu đồng. Các lao động đi trên tàu rất phấn khởi khi con tàu vững chãi, chịu sóng gió tốt.
Với con tàu này, ngư dân ra khơi không sợ sóng to gió lớn, cũng không ngại bị uy hiếp, đâm va. Đặc biệt, tàu có thiết kế hiện đại với 4 hầm cá, trong đó có 2 hầm đông, một hầm giữ lạnh, một hầm chứa nước để rửa cá theo công nghệ Nhật Bản có thể giữ hải sản tươi ngon, chất lượng hải sản còn nguyên vẹn 100%.
Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng, Nghị định 67 của Chính phủ là một chính sách phát triển thủy sản toàn diện, đúng đắn, không chỉ giúp ngư dân làm giàu từ biển mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Suốt hơn một năm qua, chính quyền Đà Nẵng đã hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện Nghị định, để ngư dân Đà Nẵng có những con tàu vỏ thép hiện đại vươn khơi.
Song thực tế cho thấy, qua thời gian triển khai chính sách phát triển nghề cá đã cho thấy còn nhiều vướng mắc. Theo ông Lĩnh, vấn đề mấu chốt hiện nay là làm thế nào để những chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn một cách nhanh hơn, sâu rộng hơn, thực tế hơn. Nhiều ngư dân phản ánh, còn mất nhiều thời gian trong việc lập thủ tục và chờ xét duyệt của các cấp chính quyền khi vay vốn theo Nghị định 67.
Hay như một thực tế khác, việc thiết kế tàu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã “làm khó” cho ngư dân trong việc đầu tư tàu mới theo chủ trương của Nghị định 67. Đơn cử, sau gần 2 năm hạ thủy, tàu vỏ thép Sang Fish 01 - con tàu từng là niềm tự hào của ngư dân miền Trung, chính thức được trả lại cho nhà máy đóng tàu ở Nha Trang.
Qua tìm hiểu, tàu vỏ thép Sang Fish 01 cũng như một số con tàu vỏ thép cùng thời, đã hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng là có lỗi về thiết kế không phù hợp với thực tế hoạt động trên biển. Theo bà Võ Thị Thu Hương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), toàn bộ hơn 20 mẫu tàu được quy định đều không phù hợp, nếu đóng theo thì phải chỉnh sửa nhiều.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Phước Tiến: Trong tình hình hiện nay, Nhà nước cần có các biện pháp để đảm bảo an toàn cho ngư dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển như tổ chức các tổ hậu cần nghề cá, ưu đãi vốn… Cùng đó, cũng cần tăng mức đầu tư vào các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là xây dựng hạ tầng nghề cá, đào tạo nghề, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, dịch vụ hậu cần trên biển đảo, để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển khai thác thủy sản xa bờ... Ngoài ra, nhất thiết phải có các giải pháp để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho các DN chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, bởi nguyên liệu chiếm hơn 80% giá trị của sản phẩm. Do đó, để phát triển bền vững, Nhà nước cần xác định phát triển nghề cá là ngành kinh tế mũi nhọn và có đầu tư trọng tâm, cũng như có các chính sách hỗ trợ DN. |