Vì sao tàu cá vỏ thép của Đà Nẵng nằm bờ?
Cho vay đóng tàu 67: Kỳ vọng tăng trong năm mới | |
Đóng tàu cá vỏ thép: Chính sách hợp lòng dân |
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 thời điểm mới hạ thuỷ |
Tháng 7/2014, tàu đánh cá vỏ thép mang tên Sang Fish 01 của ngư dân Lê Văn Sang (TP. Đà Nẵng) được hạ thủy. Đây là một trong những tàu cá vỏ thép hiện đại nhất của ngư dân Đà Nẵng, thậm chí cả ở khu vực miền Trung vào thời điểm đó.
Con tàu hiện đại này có công suất 750 CV, dài hơn 25 mét, rộng hơn 7,8 mét, chiều cao mạn 3,6 mét, tải trọng 182 tấn, chở được lượng hàng 120 tấn, trị giá hơn 11 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sang Fish 01 còn được trang bị đầy đủ các tiện nghi hàng hải. Ngoài ngư lưới cụ truyền thống nghề lưới vây, tàu được trang bị máy dò ngang Sona tầm quét 3.000 m, góc quét 45 độ để hỗ trợ phát hiện đàn cá nhằm giảm chi phí chạy tìm đàn cá, tăng khả năng và hiệu quả đánh bắt. Nội thất tàu cũng như thiết bị, dụng cụ sinh hoạt cho thuyền viên khá đầy đủ và tiện nghi. Đặc biệt, con tàu có khả năng bảo quản thủy hải sản trên 1 tháng…
Được biết, đây là con tàu được đóng theo chương trình thí điểm đóng tàu vỏ thép cho ngư dân của Chính phủ. Theo đó, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) ứng vốn 7 tỷ đồng. SBIC cho ngư dân trả dần trong 6 - 7 năm không lãi suất, sau đó bàn giao tàu cho ngư dân làm chủ. Tàu được đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa).
Với con tàu hiện đại, ngư dân Lê Văn Sang đã xây dựng mô hình vừa hành nghề lưới vây vừa làm tàu hậu cần. Do đó, sau khi đưa vào sử dụng, tàu vỏ thép Sang Fish 01 đã tiến hành đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc bộ… Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, con tàu vỏ thép hiện đại này đã phải chịu cảnh “nằm bờ”. Gần hai năm hạ thủy, tàu mới đi được 10 chuyến biển, trong đó có 4 chuyến gặp hư hỏng máy móc thiết bị, 6 chuyến còn lại tuy có doanh thu nhưng không bù lỗ được những chuyến bị trục trặc.
Theo chủ tàu, ở thời điểm bàn giao vào mùa hè, tàu chạy bình thường nhưng vào mùa đông, gió cấp 6 - 7 là tàu lắc qua lắc lại rất nhiều, không êm như tàu gỗ thông thường. Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều sự cố khác ở bộ phận tời, máy chính… Nguyên nhân chính, theo chủ tàu do lỗi thiết kế, hơn nữa tàu dùng máy cũ nên hoạt động rất kém hiệu quả.
Mới đây, chủ tàu Lê Văn Sang đã quyết định vào Nha Trang đàm phán để trả tàu, số tiền 4 tỷ đồng dự kiến góp vốn trước đó, Sang chỉ mới đặt cọc 100 triệu đồng, gia đình chấp nhận mất tiền cọc này và đã được chấp nhận. Riêng ngư lưới cụ, giàn đèn, máy tầm ngư hiện đại, quét đường kính 2 hải lý, sâu 1.000 mét tìm luồng cá… trị giá gần 4 tỷ đồng được thu hồi lại để sử dụng cho tàu đánh cá khác của gia đình.
Theo anh Sang, sự cố của Sang Fish 01 không chỉ là bài học xương máu cho chính mình mà còn cho nhiều ngư dân khác, do kinh nghiệm đóng tàu cá vỏ thép còn ít, nên ngư dân cần tham khảo nhiều nguồn, tham gia vào thiết kế. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, mới đây khi được vay vốn đóng mới tàu cá theo NĐ 67 của Chính phủ, các chủ tàu đã giám sát chặt chẽ quá trình đóng tàu, sử dụng máy mới của Mỹ, tiện nghi phù hợp với tập quán đánh bắt của bà con.
Trước một số thông tin sai lệch rằng tàu cá vỏ thép mang tên Sang Fish 01 được đóng mới theo NĐ 67, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, khẳng định tàu vỏ thép Sang Fish 01 là tàu tự mua, tự chọn lựa của ngư dân với dự án, không phải tàu theo NĐ 67 của Chính phủ. Hơn nữa, đây là mẫu thiết kế cũ, không còn phù hợp.
Do đó, khi người dân đóng tàu theo NĐ 67 hiện nay của Chính phủ cần phải có những thiết kế phù hợp với thực tiễn, có sự đầu tư kỹ càng và giám sát để mang lại hiệu quả cho con tàu của mình.