Đề xuất nâng mức cho vay với tín dụng học sinh sinh viên
Vay tín dụng HSSV, tiền lãi không bị cộng vào gốc | |
Thời điểm “chín muồi” để nâng mức cho vay tín dụng HSSV | |
Tín dụng HSSV: Biến nỗi lo thành niềm vui |
Ông Dương Văn Bá |
Ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh – sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi với Thời báo Ngân hàng về chương trình tín dụng học sinh sinh viên (HSSV).
Sau 9 năm triển khai chương trình tín dụng học sinh – sinh viên (HSSV), ngành Giáo dục nhận được những phản hồi gì từ phía HSSV, thưa ông?
Có thể khẳng định, tín dụng HSSV là chương trình tín dụng rất ý nghĩa, giúp các em thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức để theo đuổi ước mơ học tập của mình. Qua 9 năm triển khai và qua các lần tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm thì các thủ tục vay vốn đã được điều chỉnh phù hợp.
Chúng tôi đánh giá tới thời điểm này mọi công việc trong triển khai cho HSSV vay vốn đã đi vào nền nếp, ổn định. Sau khi phía gia đình HSSV làm đầy đủ các thủ tục theo quy trình vay tiền của chương trình tín dụng thì NHCSXH giải ngân rất nhanh.
Đặc biệt sau nhiều năm Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng liên ngành tham gia các cuộc kiểm tra, giám sát chúng tôi nhận thấy, việc triển khai của các ngành, các cấp, của NHCSXH và các tổ chức hội đoàn thể, chính quyền ở địa phương triển khai cho vay rất nghiêm túc, đúng đối tượng, nguồn vốn đến với HSSV nhanh hơn.
Tín dụng ưu đãi giúp trên 3,4 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập |
Đến nay có thể khẳng định không còn những ý kiến thắc mắc về quy trình thủ tục, hồ sơ vay vốn và quy trình giải ngân đối với chương trình tín dụng HSSV. Tuy nhiên, riêng với mức vay thì chưa đảm bảo được mong muốn của HSSV và phụ huynh. Do đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ nâng mức cho vay trong thời gian tới.
Thực tế, không ít HSSV sau khi ra trường chưa tìm được việc làm đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, vậy ngành Giáo dục có chia sẻ gì?
Chúng tôi cũng nhận thấy, bên cạnh những HSSV sau khi tốt nghiệp đã có việc làm và cùng gia đình trả nợ NH thì cũng có HSSV vay vốn NH nhưng ra trường khó tìm việc làm nên việc trả nợ gặp khó khăn. Do đó, thời gian qua bộ đã chỉ đạo các trường tích cực hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, triển khai các mô hình trung tâm giới thiệu, hỗ trợ tìm kiếm việc làm.
Các trường đã phối hợp, kết nối với các DN hỗ trợ sinh viên tìm việc làm sau tốt nghiệp. Trong thời gian tới bộ sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tăng cường công tác hướng nghiệp; tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh. Đặc biệt là công tác phân luồng cho học sinh ngay từ khi học THCS, THPT, giúp học sinh, phụ huynh chọn ngành học hợp lý với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực của con em mình để sau này khi tốt nghiệp ra trường dễ tìm kiếm việc làm.
Bộ cũng được Chính phủ chỉ đạo triển khai xây dựng đề án khởi nghiệp cho HSSV sau tốt nghiệp, trong đó có chỉ đạo các trường đưa nội dung giáo dục về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Nếu làm tốt những việc như vậy, sinh viên sẽ có điều kiện tiếp cận các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, điều kiện khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm tốt hơn sau khi tốt nghiệp.
Với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn NHCSXH ngành Giáo dục có ưu tiên, ưu đãi gì, thưa ông?
Chúng tôi khuyến khích và tự các trường phải tìm cách để xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên. Đến nay, một vài trường đã có quỹ đó rồi và tạo điều kiện cho sinh viên, nhưng sự hỗ trợ thế nào còn tùy vào chế độ riêng mỗi trường như có thể cho sinh viên vay ưu đãi, thậm chí vay không lãi... Tuy nhiên, thời gian vay hỗ trợ không dài, vì đây cũng chỉ là hỗ trợ tạm thời.
Ngoài ra, tôi được biết từng trường cũng có các chính sách riêng về hỗ trợ điều kiện cho những HSSV đặc biệt khó khăn như: tạo hỗ trợ về học phí, miễn giảm học phí theo quy định từng trường. Chúng tôi cũng đề nghị các trường có các chính sách học bổng cho HSSV học giỏi. Thời gian qua, nhiều trường đã huy động được nguồn lực từ đóng góp của cựu sinh viên, của các DN để thành lập quỹ nhằm tạo điều kiện cho sinh viên nhận học bổng.
Với các trường tự chủ về tài chính, bộ đã nghị các trường có thể cân đối tạo thành quỹ riêng của nhà trường, để có thể cho sinh viên vay ưu đãi tạm thời để đóng học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Như ông đề cập, hiện nay mức cho vay của tín dụng HSSV còn thấp, theo ông nên điều chỉnh như thế nào?
Hiện Chính phủ đã có chính sách cho HSSV trong diện ưu đãi theo Nghị định 86/2015 ngày 2/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021; và Quyết định số 66/2013 ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi trong giáo dục, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn và đề xuất Chính phủ nghiên cứu có thể nâng mức cho vay và có thể cho phép kéo dài thêm thời gian trả nợ để hỗ trợ sinh viên bớt khó khăn trong điều kiện hiện nay.
Vậy, theo ông mức cho vay đối với HSSV nâng lên mức bao nhiêu là hợp lý?
Chúng tôi cũng chưa xác định được mức nào bởi nhu cầu của người vay thì rất đa dạng. Có HSSV chi tiêu hết khoảng 5 triệu đồng/tháng, bao gồm cả nộp học phí; có người thì chỉ hết 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mức cho vay hiện nay với HSSV chỉ 1.250.000 đồng / tháng / HSSV là khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Cách đây hơn một năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp với NHCSXH đã đề nghị nâng mức cho vay lên 1.500.000 đồng hoặc 2.000.000 đồng/tháng/HSSV và Chính phủ đã cân nhắc, chưa có điều kiện tăng lên mức như vậy, bởi chúng ta còn phải cân đối ngân sách mới tăng được.
Xin cảm ơn ông!