Tín dụng HSSV: Biến nỗi lo thành niềm vui
Ý nghĩa xã hội to lớn
Những bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị và cả những câu chuyện xúc động đã được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì sáng ngày 21/2. Ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP), đơn vị trực tiếp giải ngân, thu nợ, thu lãi cho Chương trình tín dụng HSSV cho biết, chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa xã hội to lớn.
Sau hơn 5 năm thực hiện, chương trình đã có 3 triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập. Tính đến 31/12/2012 tổng nguồn vốn chương trình là 36.125 tỷ đồng, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định. Đến nay đang còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học với dư nợ là 35.802 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 167 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,47%.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: Có thể quy định mức cho vay phân theo từng ngành học Số lượng hộ gia đình vay đang tiến tới mức ổn định và tỷ lệ thu hồi vốn nợ từ tín dụng HSSV đang tăng (năm 2010 các hộ vay đã trả 950 tỷ đồng, đến năm 2012 là 4.385 tỷ đồng) là căn cứ để có thể dự báo được nhu cầu vốn đến hết năm 2013 và đề nghị các bộ, ngành làm rõ nhu cầu này để bố trí vốn. Công tác kiểm tra, giám sát cũng đã luôn được tăng cường. Năm 2012 chỉ còn 2 hộ gia đình vay không đúng đối tượng (hộ nghèo) trên tổng số 1,9 triệu hộ được vay, giảm gần như tuyệt đối so với 1.700 hộ vay không đúng đối tượng bị phát hiện năm 2008. Ngoài ra trên 95% số hộ trả nợ đúng hạn cũng là một con số đáng kể từ các chính sách ưu đãi của Quyết định 157, giúp người vay có động lực trả nợ, góp phần quay vòng vốn của Chương trình. Về một số kiến nghị của VBSP, đề nghị các bộ, ngành liên quan cần xem xét mức tăng hỗ trợ mức vay bình quân thêm 100.000 - 200.000 đồng/HSSV/tháng gắn với lộ trình tăng học phí, nghiên cứu xem xét bổ sung các hộ có 2 con đi học đại học, cao đẳng được vay vốn tín dụng HSSV. Các bộ, ngành cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thể quy định mức cho vay phân theo từng ngành nghề khác nhau cho phù hợp. |
Nguồn vốn cho vay của Chương trình tín dụng đối với HSSV đã được Thường trực Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành cân đối các nguồn từ ngân sách và các nguồn vốn khác để ưu tiên cho việc giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV trong từng thời kỳ. NHNN Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các TCTD Nhà nước trong việc duy trì số dư tiền gửi 2% tại VBSP, tạo điều kiện bố trí kịp thời các nguồn vốn khác để VBSP có đủ vốn giải ngân theo kế hoạch, đặc biệt là những thời điểm khó khăn trong huy động vốn.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chương trình tín dụng HSSV. Sự chỉ đạo tích cực, kịp thời của UBND các cấp, nhất là chính quyền cấp xã về chủ trương, chính sách cho vay đối với HSSV, đã đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hạn chế tiêu cực, lợi dụng chính sách.
Ông Dương Quyết Thắng cũng nhấn mạnh, do triển khai thực hiện tốt chính sách giảm lãi tiền vay đối với người vay trả nợ trước hạn, nên đã động viên khuyến khích được trách nhiệm trả nợ của người vay. Nhiều hộ vay đã chủ động và tự nguyện trả nợ trước hạn để được hưởng chính sách giảm lãi suất tiền vay. Việc trả nợ trước hạn cũng đã góp phần giảm gánh nặng cho hộ vay khi đến hạn trả nợ cuối cùng, đồng thời VBSP có nguồn vốn bổ sung cho vay quay vòng. Năm 2011, số tiền gốc trả nợ trước hạn là 1.163 tỷ đồng, năm 2012 là 2.500 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN, Chủ tịch HĐQT VBSP Nguyễn Văn Bình: Sẽ đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay HSSV Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo an sinh xã hội và dành nguồn vốn cho vay lĩnh vực này một cách phù hợp. Để đảm bảo nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng của VBSP trong đó có tín dụng HSSV, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn, tạo điều kiện để VBSP phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, các TCTD cũng hưởng ứng mạnh mẽ việc mua trái phiếu. Chúng tôi cũng đề nghị các NHTM Nhà nước và NHTMCP do Nhà nước nắm quyền chi phối duy trì số dư tiền gửi 2% dù trong bối cảnh các NHTM cũng đang rất khó khăn. Nếu trong trường hợp các nguồn vốn trên chưa đủ thì NHNN sẽ đứng ra cho VBSP vay tái cấp vốn để đảm bảo đủ nguồn. NHNN sẽ đề nghị Chính phủ không chỉ cho phép các NHTM tham gia vào chương trình mà còn huy động tiền nhàn rỗi từ các quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo nguồn vốn cho tín dụng HSSV. |
Cần quan tâm tới chính sách tạo việc làm cho HSSV
Tâm sự của cô sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ Nguyễn Thị Thùy Linh, Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) đã làm các đại biểu tại Hội nghị vô cùng xúc động. Thùy Linh kể: 22 tuổi, cô chưa một lần được cảm nhận tình yêu của cha, đã gần 10 năm nay thiếu vắng tình thương của mẹ và cô phải ở với cậu mợ. Việc thi đỗ đại học là niềm vui vô bờ bến của bản thân cô, gia đình cậu mợ, những người thân và bạn bè của Thùy Linh, nhưng sau những giờ phút vui mừng là nỗi lo lớn. Cậu mợ của cô mừng cho cháu thi đỗ đại học nhưng lo lắng, khổ tâm vì không thể giúp cháu theo học, do điều kiện kinh tế quá khó khăn.
“Trong lúc khó khăn đó, tôi được biết đến Chương trình cho vay vốn đối với HSSV ở VBSP thông qua phương tiện thông tin đại chúng và một số tổ chức hội đoàn thể trong xã. Vậy là cánh cửa đại học đã thực sự mở ra đối với tôi”, Thùy Linh chia sẻ và nhấn mạnh, là sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, học đại học ở Huế, Thùy Linh đã tìm đến VBSP Thừa Thiên - Huế để tự đứng tên xin vay vốn. Giọng nghẹn ngào Thùy Linh nói: “Nếu không có chương trình này, tôi sẽ không có điều kiện tiếp tục theo học, hoặc có được học thì cũng là gánh nặng cho gia đình cậu mợ và bà con thân thuộc của tôi”.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đồng tình với đề xuất của phía VBSP là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo lập nguồn vốn cho vay của Chương trình theo hướng ổn định và bền vững. Hiện nay mới chỉ có 4,1% nguồn vốn cấp từ ngân sách Trung ương ổn định, còn lại 95,9% vốn là nguồn huy động trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, vốn vay ngắn hạn, trong khi thời hạn của món vay thường từ 7- 8 năm nên nguồn vốn luôn trong tình trạng mất cân đối, bị động và thiếu bền vững.
Về nâng mức cho vay cho phù hợp với điều kiện giá cả thị trường, theo tính toán của VBSP, nếu nâng mức cho vay thêm 100.000 đồng/HSSV/tháng thì nguồn vốn cho vay tăng thêm khoảng 670 tỷ đồng/năm. VBSP đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, cân đối để xác định tăng mức cho vay hợp lý. Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 2 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn. Tiếp tục gia hạn nợ thêm đối với những HSSV chưa tìm được việc làm, chưa có khả năng trả nợ trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, trong xã hội hiện nay vẫn có tâm lý thích cho con học đại học, thậm chí ép con phải thi đại học, trong khi học nghề lại dễ dàng hơn trong tìm kiếm việc làm. Vì vậy, cần phải tuyên truyền, phổ biến, thay đổi nhận thức từ chính các bậc phụ huynh. Mặt khác, cần có chính sách, như “bà đỡ” giúp SV tạo việc làm, thậm chí mỗi nhóm HSSV ra trường có thể tạo việc làm cho bản thân mình. Bên cạnh đó, phải có các chính sách thu hút việc làm giá trị cao, hút trí thức về các vùng nông thôn.
Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể VBSP, VBSP Chi nhánh Nghệ An, VBSP Chi nhánh Long An và hai cá nhân là: ông Nguyễn Văn Lý – Phó tổng giám đốc VBSP và ông Trần Quang Quý – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tặng bằng khen cho 44 tập thể và 9 cá nhân; VBSP tặng giấy khen của Tổng giám đốc cho 148 tập thể và 259 cá nhân. |
Bài và ảnh Quang Cảnh