Đến năm 2025, Trung Quốc phải hoàn thành các cam kết thương mại
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ nối lại vào tuần tới | |
Thỏa thuận Mỹ - Trung chưa thể ký trong tháng 3 | |
Ông Trump sốt ruột với thỏa thuận thương mại |
6 năm để đáp ứng theo các cam kết
Vòng đàm phán tiếp theo của thỏa thuận đang diễn ra tại Washington (dự kiến từ ngày 3-5/4/2019), nơi Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He sẽ có các cuộc họp với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Mục tiêu vòng đàm phán lần này là đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi để sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tổ chức một buổi lễ để ký thỏa thuận.
Mỹ - Trung kỳ vọng đàm phán thương mại sẽ có tiến triển rõ nét trong vòng đàm phán lần này |
Khi đàm phán được nối lại vào ngày 3/4, ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, cho rằng hai bên đang đạt được tiến triển nhưng để tiến tới một thỏa thuận cuối cùng thì vẫn còn nhiều khó khăn. Nói với các phóng viên tại một sự kiện ở Washington, ông Larry Kudlow nhận định, các nhà đàm phán “đang làm tốt công việc” và hy vọng vòng đàm phán lần này sẽ đến gần hơn với một thỏa thuận. Vị cố vấn này cũng cho biết, Trung Quốc đã lần đầu tiên nhận ra các vấn đề mà lâu nay Hoa Kỳ đã nêu ra trong các cuộc đàm phán.
Các nguồn tin đề nghị giấu tên cho biết, theo thỏa thuận được đề xuất, Trung Quốc sẽ có khoảng 6 năm để đáp ứng theo các cam kết (tức đến năm 2025) về mua thêm hàng hóa của Mỹ, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và hàng chế biến chế tạo. Đồng thời, cho phép “100% sở hữu nước ngoài” cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, xem đây như một cam kết ràng buộc mà Mỹ có thể kích hoạt trả đũa nếu điều này không được thực hiện. Một số cam kết khác không mang tính ràng buộc và không gắn liền với khả năng trả đũa tiềm tàng của Hoa Kỳ cũng được phía Trung Quốc đưa ra và sẽ thực hiện đến năm 2029 nhưng các nguồn tin không cho biết rõ đó là những cam kết cụ thể nào.
Tuy nhiên, khung thời gian hạn hẹp của vòng đàm phán lần này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về việc liệu đàm phán có thực sự giúp định hình lại được một thỏa thuận cho mối quan hệ thương mại và kinh tế dài hạn giữa hai cường quốc này, hay chỉ đơn giản là một chiến thắng chính trị cho ông Trump trong nỗ lực kéo dài cương vị Tổng thống sang nhiệm kỳ thứ hai khi chiến dịch bầu cử năm 2020 đã được kích hoạt. Cho dù một số tiến triển đang diễn ra nhưng để giải quyết các vấn đề mấu chốt và gây tranh cãi hơn như sở hữu trí tuệ liên quan đến chuyển giao công nghệ bắt buộc hay cơ chế để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ cam kết… chắc chắn sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
Nhà Trắng đang đặc biệt tập trung vào các cam kết mua hàng hóa của Trung Quốc từ nay tới quý II/2020 – cho thấy một trong những nỗ lực để thu hẹp cán cân thương mại trước thềm cuộc bầu cử lại của ông Trump. Các nguồn thạo tin cho biết, chính vì lý do đó nên Hoa Kỳ đang thúc Trung Quốc phải có các cam kết mua hàng hóa khối lượng lớn của Mỹ ngay trong hai năm đầu tiên khi thỏa thuận có hiệu lực. Năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 419,2 tỷ USD.
Chưa rõ thời điểm nào có thể ký
Hiện hai bên vẫn đang mặc cả với nhau về cách thực thi thỏa thuận. Đây là điều mà Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nhiều lần khẳng định “là vấn đề cơ bản trong các cuộc đàm phán”. Trong cuộc điều trần trước quốc hội Mỹ vào tháng 2 vừa qua, ông Lighthizer cho biết Hoa Kỳ muốn có quyền hành động đơn phương, và thích đáng nếu Trung Quốc không tuân thủ các quy định. Trong khi đó một nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc cho đến nay chỉ dự tính đồng ý với khả năng không trả đũa nếu Hoa Kỳ có hành động chống lại Bắc Kinh, nhưng đã dừng không đưa ra một cam kết chính thức để tránh nguy cơ bị những cú phản đòn.
Một trong những vấn đề nữa là hai bên sẽ xử lý với phần thuế quan đã áp đặt với hàng hóa của nhau trong 9 tháng qua (tổng giá trị khoảng 360 tỷ USD) như thế nào. Tổng thống Trump gần đây đã cho rằng, ít nhất là một số mức thuế sẽ tiếp tục được giữ nguyên vì đó là điều cần thiết trong một khoảng thời gian đáng kể nữa để đảm bảo Bắc Kinh theo đuổi và tuân thủ thỏa thuận. Các nguồn tin cũng cho biết, văn bản thỏa thuận cũng sẽ bao gồm các tiêu chuẩn, như có khả năng đặt ra mốc 90 ngày hoặc 180 ngày kể từ ngày ký, theo đó Trung Quốc được yêu cầu phải hoàn thành các cam kết quan trọng.
Các quan chức hai bên cũng đang thảo luận về thời điểm hai nhà lãnh đạo của họ có thể gặp nhau để ký kết thỏa thuận thương mại này. Các nguồn tin cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump Chủ tịch Tập có thể được công bố trong vòng đàm phán này, sớm nhất là vào ngày 4/4 (theo giờ Mỹ). Một nguồn tin cho biết, trong khi các quan chức Nhà Trắng gần đây bày tỏ sự lạc quan thận trọng về khả năng có được một thỏa thuận trong tương lai gần thì quyết định của Mỹ về việc bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan có thể ảnh hưởng đến kết quả của vòng đàm phán lần này cũng như thống nhất được thời điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh.
Chứng khoán Mỹ đã tăng trong phiên giao dịch ngày 3/4 với kỳ vọng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể sớm thành hiện thực. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán có thể đi vào bế tắc sẽ lại khiến thị trường phản ứng tiêu cực, các nhà đầu tư không còn hứng thú và gây ra những quan ngại mới cho nền kinh tế thế giới, vốn đã bị xáo trộn bởi tình trạng thuế quan ăn miếng - trả miếng mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên nhau trong thời gian qua.