Ông Trump sốt ruột với thỏa thuận thương mại
Mỹ sẽ vẫn duy trì mối đe dọa thuế quan với Trung Quốc |
Chuyện gì đang xảy ra?
Hiện hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận cuối cùng để có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài gần một năm của họ. Thỏa thuận giữa hai bên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ông Trump trong tiến trình tái tranh cử vào năm 2020, nhất là khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa diễn ra mới đây không đưa ra được tuyên bố chung.
Ông Trump muốn sớm gặp lại ông Tập để ký kết thỏa thuận |
Hãng tin Bloomberg dẫn lời các nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết, trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang tiến triển thuận lợi, ông Trump đã nhận thấy sự gia tăng khá mạnh của thị trường chứng khoán theo từng dấu hiệu tiến bộ tại các cuộc đàm phán, nhất là sau khi ông quyết định trì hoãn việc tăng thuế suất đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thay vì thực hiện theo đúng kế hoạch là vào ngày 1/3. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng chậm đạt được một thỏa thuận thương mại song phương có thể kéo thị trường cổ phiếu quay đầu giảm trở lại.
Sự sốt ruột của ông Trump ngày càng lộ rõ. Ngay ngày làm việc đầu tiên của tuần này (4/3), ông Trump đã gặp gỡ với nhóm đàm phán thương mại của mình và bày tỏ sự quan tâm đến việc gặp lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tiến hành ký kết một thỏa thuận sớm nhất trong tháng này. Sự nhiệt tình của ông đối với thỏa thuận song phương Mỹ - Trung có thể định hình các quyết định quan trọng của ông trong thời gian tới như giảm bớt áp lực đối với Trung Quốc, thậm chí có thể dỡ bỏ thuế quan ngay lập tức, trái ngược với những khuyến nghị là nên duy trì đe dọa thuế quan như là đòn bẩy để đảm bảo việc thực hiện cam kết của phía Trung Quốc.
Quan điểm về diễn biến thị trường chứng khoán của ông Trump đã định hướng các đánh giá của ông về các chính sách kinh tế của mình. Cũng chính vì vậy các nhân viên hàng đầu của Nhà Trắng đều phải nhận thức được thị trường đang hoạt động như thế nào khi được triệu tập đến Phòng Bầu dục để nói chuyện với Trump vì Tổng thống thường hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra với thị trường?”. Lẽ đương nhiên, những quan chức ủng hộ việc ký kết một thỏa thuận Mỹ - Trung đang cố gắng tận dụng quan điểm đó của ông Trump để củng cố cho lập trường của mình, một nguồn tin cho biết.
Đội ngũ kinh tế của Trump đã nói với ông rằng một thỏa thuận giữa hai bên sẽ mở ra một đợt tăng giá mạnh mẽ của thị trường, theo một nguồn tin yêu cầu giấu tên vì các cuộc thảo luận chỉ mang tính nội bộ. Những người ủng hộ một thỏa thuận với Trung Quốc cũng nói với ông Trump rằng, điều quan trọng là phải sớm đạt được thỏa thuận để có được những hỗ trợ lớn hơn cho tiến trình tái tranh cử của ông Trump bởi những lợi ích từ thỏa thuận như việc Trung Quốc tăng mua đậu nành và các sản phẩm khác của Mỹ có thể bị chậm trễ và mất thời gian để tác động tới nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhân viên truyền thông của Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này.
Nhưng không dễ
Trung Quốc cũng đang kỳ vọng sớm đạt được thỏa thuận với Mỹ. “Sự nhượng bộ của Trung Quốc có lẽ sẽ không quá lớn bởi vì rất nhiều yêu cầu của họ (Mỹ) là những gì chúng tôi đã lên kế hoạch cải tổ”, cựu bộ trưởng tài chính Lou Jiwei nói tại Bắc Kinh hôm thứ Tư (6/3), đồng thời gọi một số yêu cầu thay đổi của Mỹ là “vô lý”.
Tại Nhà Trắng, các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cũng đang mong muốn giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột thương mại. Trong khi những người theo trường phái “diều hâu” về thương mại như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer lại đã có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Trump cũng đang phải đối mặt với áp lực từ cả hai đảng trong Quốc hội. Nhà lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer trong bài phát biểu tại quốc hội hôm thứ Ba (5/3) đã cảnh báo Tổng thống Mỹ không được kết thúc bằng một thỏa thuận yếu với Trung Quốc.
“Nhưng bây giờ, khi bạn đang tiến gần đến một chiến thắng, lại mềm yếu vào phút chót mà không đạt được cải cách cơ cấu có ý nghĩa, có thể thi hành và có thể kiểm chứng đối với các chính sách thương mại của Trung Quốc sẽ là một thất bại đối với chính sách Trung Quốc (của Mỹ) và người dân sẽ xem thường và nói tại sao ông ấy lại bắt đầu điều này nếu ông ấy không hoàn thành nó”, Schumer nói.
Cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia đã tạo một áp lực lớn đến thị trường chứng khoán. Renaissance Macro Research kết luận rằng S&P 500 sẽ cao hơn 11% nếu không có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cũng cho biết, việc thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được ký kết có thể sẽ không có tác động lớn tới thị trường bởi nó đã được phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường thời gian gần đây do các tín hiệu tích cực từ chính quyền Mỹ đối với vấn đề này. Trên thực tế, hiện chứng khoán Mỹ đã lấy lại phần lớn những gì đã mất kể từ mùa thu năm ngoái khi các nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra bi quan hơn về triển vọng thương mại. Cũng chính bởi vậy, nếu thỏa thuận thất bại sẽ có nguy cơ đẩy giá cổ phiếu lao dốc mạnh.
“Nguy cơ có thể nghiêng nhiều về phía suy giảm, nhưng mặt khác điều này sẽ lấy đi một số điều không chắc chắn và điều đó tốt cho các công ty đang tìm kiếm cơ hội đầu tư”, Sebastien Page – người đứng đầu bộ phận chiến lược đa tài sản toàn cầu của T. Rowe Price ở Baltimore cho biết. “Nếu chúng ta có được một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa, có một số kịch bản tăng giá đối với các cổ phiếu thị trường mới nổi”.