Điểm nhấn từ tái cơ cấu
Agribank CN Lê Thánh Tông được sáp nhập từ CN Kim Ngân và PGD Đại Tín - Một nỗ lực trong thực hiện tái cơ cấu |
Từ giảm nợ xấu
Điểm nhấn từ thực hiện đề án tái cơ cấu đã giúp Agribank Đăk Lăk hoàn thành hầu hết các mục tiêu đề ra trong năm. Và một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là làm sao để giảm nợ xấu nhưng phải an toàn vốn. Chi nhánh (CN) triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước xử lý và giảm dần nợ xấu, như tăng cường cán bộ hỗ trợ CN trực thuộc có tỷ lệ nợ xấu cao.
Phân công lãnh đạo làm việc tại từng CN để phân tích từng khoản nợ có vấn đề, làm việc với từng khách hàng để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, quyết định phương án xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích, từ đó động viên khách hàng hợp tác trả nợ vay.
Giám đốc Agribank Đăk Lăk Trần Đình Chánh chia sẻ, muốn nâng cao chất lượng tín dụng đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt, vừa phải kiên trì xử lý nợ xấu, vừa tăng cường giám sát không để cho nợ xấu mới phát sinh. Trong công tác tín dụng, yếu tố con người, đạo đức cán bộ là vô cùng quan trọng. Việc xử lý nợ xấu phải đồng thời đảm bảo thu được nợ và cũng phải hỗ trợ cho khách hàng tiếp tục sản xuất kinh doanh, do vậy cần linh hoạt và mềm dẻo trong thực hiện.
Ngoài việc xử lý tồn tại, cần phải kiện toàn, bổ sung các cơ chế điều hành quản trị rủi ro. Bởi lẽ, cần phải nhìn nhận khách quan rằng để xảy ra những tồn tại, yếu kém trong công tác hoạt động kinh doanh, nhất là hoạt động đầu tư tín dụng, là do cơ chế điều hành, quản trị chưa tốt, chứ không chỉ do đạo đức cán bộ.
Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, năm qua, Agribank Đăk Lăk cũng luôn chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DNNVV…
Đến nâng cao chất lượng tín dụng
Với tất cả những nỗ lực đó, chất lượng tín dụng được cải thiện rõ rệt. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn dưới 2,7% trên tổng dư nợ, đạt mục tiêu đề ra theo lộ trình tái cơ cấu là dưới 3%.
Đối với hoạt động chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn huy động và đầu tư tín dụng, hướng đến thị trường nông thôn, trong năm qua, CN đã đẩy mạnh công tác huy động vốn từ dân cư, kết hợp nguồn vốn vay khác để cân đối đủ vốn cung ứng cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đến 31/12/2015, nguồn vốn huy động đạt trên 6.986 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 7%.
Đồng thời, phát huy vai trò chủ lực cung ứng vốn cho khu vực “tam nông”, CN tích cực triển khai, đưa các chính sách tín dụng phục vụ “tam nông” vào cuộc sống. Đến cuối năm 2015, CN đạt tổng dư nợ 10.904 tỷ đồng. Trong đó, cho vay “tam nông” gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 93% trên tổng dư nợ; với hơn 72.000 hộ gia đình, cá nhân được vay vốn. Thị phần tín dụng được duy trì ổn định, chiếm tỷ trọng 22-24% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn. Dịch vụ ngân hàng có bước phát triển khá, với doanh thu 43 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 13%.
Để nâng cao hiệu quả công việc, Agribank Đăk Lăk chủ động sắp xếp lại mạng lưới CN, PGD, tăng năng lực cạnh tranh trên địa bàn nông thôn. Đến thời điểm này, CN đã chấm dứt hoạt động 14 PGD, từ 51 đầu mối CN, PGD, đến nay chỉ còn 37. Cùng đó, các phòng chuyên môn nghiệp vụ tại trụ sở chính cũng được bố trí, sắp xếp lại phù hợp với nhiệm vụ kinh doanh. Qua công tác sắp xếp, đã dôi ra gần 100 lao động để bổ sung cho các đơn vị ở địa bàn nông thôn, giải quyết được bài toán thiếu lao động của các CN trực thuộc.
Ông Trần Đình Chánh chia sẻ, việc sắp xếp lại mạng lưới, cán bộ có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, do vậy cần có sự cân nhắc kỹ và có sự thống nhất cao trong cấp ủy, Ban lãnh đạo; thông tin rõ ràng, minh bạch đến người lao động, từ đó mọi người thấy được lợi ích của mình, của Ngành mà ủng hộ.
Trong thời gian tới, Agribank Đăk Lăk sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng cho khu vực “tam nông”. Do đó, CN sẽ lấy nông thôn làm thị trường mục tiêu, nông nghiệp là đối tượng đầu tư chủ yếu, nông dân là khách hàng truyền thống, tập trung tăng trưởng tín dụng bình quân 10%/năm. Đồng thời, kết hợp đầu tư tín dụng vào khu vực DNNVV và các chương trình kinh tế lớn của địa phương.
Tất cả những điều đó đều hướng đến mục tiêu xây dựng Agribank Đăk Lăk trở thành ngân hàng hiện đại, chuyên nghiệp, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.