Điểm tựa cho phát triển nông nghiệp
Từ bên Đông…
Những ngày cuối năm, tôi có dịp trở lại Phú Yên, chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục của nơi vốn nhiều khó khăn này. Giám đốc Agribank Phú Yên Trần Minh Mẫn chia sẻ, ngân hàng đã kiên trì đồng hành với nông dân, ngư dân để đưa nông nghiệp Phú Yên phát triển, tạo điều kiện tối đa để người dân đổi đời từ mảnh vườn, thửa ruộng, ao đầm, lồng bè mà họ gắn kết bấy lâu nay.
Vốn Agribank Phú Yên đã trợ lực cho nông dân làm giàu |
Nhiều hộ dân từng là hộ nghèo với “2 không” - không vốn, không giống, song đến nay, không những thoát nghèo mà trong số ấy, không ít người trở thành những triệu phú.
Thực tế đã chứng minh, Phú Yên hiện đã trở thành “địa chỉ đỏ” của ngành thủy sản Việt Nam, với sản lượng đánh bắt, chế biến cá ngừ đại dương; nuôi tôm hùm, ốc, cua, ghẹ lớn nhất miền Trung. Có được kết quả đó, Agribank Phú Yên đã đóng vai trò “bà đỡ”, đầu tư vốn cho ngư dân phát triển kinh tế biển.
Chúng tôi về xã An Ninh Đông, vốn nổi tiếng về nghề nuôi tôm hùm. Ngư dân Trần Công Bình ở thôn Phú Lương phấn khỏi chia sẻ với khách về căn biệt thự khang trang vừa xây xong, trị giá hàng tỷ đồng. Chỉ tay vào căn nhà, ông Bình khẳng định, tất cả là nhờ con tôm mà nên.
Rồi ông Bình kể rằng ngày trước, thấy nhiều người nuôi tôm hùm đạt hiệu quả, ông muốn làm lắm, mà ngặt nỗi không có vốn. Nhưng vì quyết làm ăn, nên ông đã gõ cửa Agribank Phú Yên đặt vấn đề vay vốn và được đồng ý. Có vốn vay, cộng số tiền tiết kiệm từ đi biển, ông đã đầu tư nuôi tôm hùm. Mọi việc tiến triển tốt đẹp và cho đến nay, ông thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Cùng với nuôi trồng, Agribank Phú Yên cũng chú trọng đầu tư vào đánh bắt hải sản với chủ trương cho vay đóng tàu công suất lớn phục vụ đi biển xa bờ. Ngư dân Phạm Luyện, thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) đã được Agribank đầu tư 95% trong tổng vốn 19,5 tỷ đồng để đóng tàu cá theo Nghị định 67. Tàu cá vỏ thép mang số hiệu PY99990TS đã được bàn giao để chủ tàu đưa vào khai thác. Ông Luyện chia sẻ, sự vào cuộc kịp thời của Agribank đã giúp ông sớm có tàu công suất lớn để yên tâm đánh bắt trên vùng biển xa, vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo vệ biển đảo.
Ở nơi này, hàng ngàn ngư dân như ông Bình, ông Luyện là khách hàng của Agribank ở các huyện, thị phía Đông Phú Yên đã đổi đời từ nghề biển.
…đi sang bên Tây
Nguồn vốn của Agribank Phú Yên còn trợ lực cho hàng ngàn nông hộ phía Tây của tỉnh vươn lên làm giàu, góp phần phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Chúng tôi ngược miền sơn cước lên sông Hinh. Suốt quãng đường từ Tuy Hòa lên sông Hinh gần 100km, nhìn đâu cũng thấy sự trù phú của vùng đất trên đà phát triển. Với người dân sông Hinh, mủ cao su giờ không còn là “vàng trắng”. Song xét về giá trị kinh tế, chưa có cây trồng nào hiệu quả hơn. Có thời điểm, mủ cao su rớt giá thê thảm, nhưng nhiều nông hộ vẫn gắn bó với cao su.
Lão nông Cao Nguyên Lâm là một trong những người khai phá đất sông Hinh từ hơn 30 năm trước để xây dựng vùng kinh tế mới. Ông Lâm chia sẻ, xã Ea Bar, ban đầu đất rộng người thưa, nhưng làm quần quật quanh năm vẫn không đủ sống. Không khuất phục, ông quyết định thế chấp sổ đỏ để vay Agribank 80 triệu đồng và mua 25 con bò cái chăn thả.
Dần dà, đàn bò sinh sôi nảy nở. Đến năm 2000, gom tiền lãi từ nuôi bò, ông Lâm mua thêm 10ha đất trồng cao su tiểu điền. Một lần nữa, Agribank lại trợ lực ông. Sẵn có đất, vay được vốn, ông Lâm trồng 10ha cao su. Mọi nỗ lực rồi cũng được đền đáp, vườn cao su đưa vào khai thác, ông Lâm trả hết nợ và tiếp tục dùng nguồn thu nhập từ vườn cao su để mua thêm 70ha đất mở rộng sản xuất.
Đến nay, lão nông Lâm có trong tay hơn 45ha cao su. Không chỉ vậy, ông còn đa dạng hoá cây trồng như cà phê, cây trồng ngắn ngày, trồng rừng nguyên liệu và làm trang trại chăn nuôi. Ông Lâm tính nhẩm, mỗi năm thu nhập cũng trên vài tỷ đồng.
Trên vùng đất đỏ phía Tây Phú Yên, còn nhiều hộ dân cũng đi lên từ vốn vay ngân hàng, như ông Nguyễn Đình Thanh, xã Ea Bar thành công với mô hình trồng cao su và sầu riêng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; ông Nguyễn Trọng Sơn thoát nghèo nhờ mô hình trồng cao su, cà phê, tiêu, sắn… cho thu nhập mỗi năm gần tỷ đồng...
Giám đốc Mẫn chia sẻ, hàng năm, trên cơ sở bám sát các chủ trương của Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh… chi nhánh đặt ra mục tiêu để đầu tư vốn, tập trung vào phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.
Điều đó đã hỗ trợ cho kinh tế địa phương phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng GDP luôn trên 10% trong những năm qua… Giám đốc Mẫn tự tin, chắc chắn Agribank Phú Yên không để một nông hộ nào, một ngư dân nào thiếu vốn sản xuất kinh doanh khi có nhu cầu.
Có thể nói, Agribank Phú Yên đã góp phần tạo những gam màu sáng trong bức tranh phát triển kinh tế địa phương.