"Điểm tựa" của Trung Quốc khi đối đầu thương mại với Mỹ
Trung Quốc đẩy mạnh cho vay ra nền kinh tế | |
PboC: Trung Quốc sẽ duy tri chính sách tiền tệ ổn định và linh hoạt |
Mặc dù Tổng thống Trump đang kỳ vọng các biện pháp thuế quan đánh vào ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ buộc Bắc Kinh phải chấm dứt hành vi thương mại mà chính quyền của ông nói là không công bằng. Thế nhưng, điều mà ông Trump ít ngờ tới đó là Trung Quốc đang có một “điểm tựa” vững chắc để chống lại các tác động bất lợi từ thuế quan của Mỹ: 1,4 tỷ người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn như người Mỹ.
Người dân Trung Quốc tiêu dùng nhiều hải sản hơn |
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng có dấu hiệu xấu đi, các công ty Trung Quốc đại lục thuộc mọi lĩnh vực, từ sản xuất túi xách, đến thực phẩm tươi, thậm chí là đèn Giáng sinh… tất cả đều đang nỗ lực quay về sân nhà.
Đơn cử như các nhà xuất khẩu đồ nội thất Trung Quốc đã bán 29,2 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ trong năm ngoái. Theo Deutsche Bank AG, đề xuất thuế quan trị giá 200 tỷ USD sẽ có tác động lớn đến họ, khi mà họ phải đối mặt với mức thuế là 10% hoặc thậm chí 25%. Điều đó đã thúc đẩy Zhuo và các nhà sản xuất đồ nội thất khác tìm về thị trường nội địa.
“Mặc dù thị trường trong nước là mới đối với chúng tôi và cạnh tranh là rất khốc liệt”, ông nói. Nhưng “thị trường là rất lớn và khách hàng đang trả tiền nhiều hơn cho các sản phẩm tốt”.
Hay như Taizhou Tianhe Aquatic Products Co. ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Thời gian trước, hơn 1.000 công nhân của nó hàng năm chế biến khoảng 10.000 tấn các sản phẩm hải sản như tôm càng xanh, mực đông lạnh… để xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu và Úc. Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm trong số đó đang phải đối mặt với các khoản thuế mới tại Mỹ với mức thuế suất có thể lên tới 25%.
May mắn cho Tianhe Aquatic, là hiện nhu cầu tiêu thụ hải sản ở các đô thị lớn tại Trung Quốc đang tăng cao. Theo một báo cáo của Chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng 6, các cư dân đô thị ở độ tuổi 20 và 30 đã giúp giá trị kinh tế của ngành công nghiệp tôm càng xanh tăng 83% trong năm ngoái ngay cả khi xuất khẩu của Mỹ giảm.
“Người tiêu dùng ở Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm và cân nhắc việc ăn thức ăn phổ biến ở Mỹ và châu Âu để trở nên thời trang”, đại diện bán hàng Doris Chen nói. Thậm chí Tianhe không thể theo kịp nhu cầu của địa phương. “Chúng ta có thể buông thị trường Mỹ nếu muốn”.
Thực tế cũng cho thấy, tại hơn 3.000 siêu thị được điều hành bởi Công ty nhà nước China Resources Holdings Co., người bán hàng đã đẩy mạnh bán tôm đỏ jumbo của Argentina 20% trong 6 tháng đầu năm nay. Đó là vì nhu cầu của địa phương đang tăng lên và những người trung gian Trung Quốc nhập khẩu tôm đang đẩy mạnh bán chúng cho chuỗi cửa hàng tạp hóa địa phương thay vì xuất bán sang Mỹ như kế hoạch ban đầu.
Ngay cả trước khi leo thang căng thẳng thương mại, sức tiêu dùng ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm lớn hơn từ các nhà sản xuất địa phương, những người thường bán hàng của họ ở nước ngoài. Tiêu thụ hộ gia đình chiếm hơn 39% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2016 và 2017. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2005. “Cuộc chiến thương mại sẽ làm nổi bật sự thay đổi”, Iris Pang - chuyên gia kinh tế của ING Bank NV tại Hong Kong cho biết.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận là nhiều công ty Trung Quốc vẫn đang gặp khó trong việc tiếp cận thị trường nội địa do thói quen của người tiêu dùng Trung Quốc khác hẳn với Mỹ. SDIC Zhonglu Fruit Juice Co. là một ví dụ. Công ty này chiếm khoảng 20% trong số 654.000 tấn xuất khẩu táo của Trung Quốc trong năm ngoái, trong đó hầu hết được xuất sang thị trường Mỹ với nhiều khách hàng lớn như: Coca-Cola, Nestlé và Kraft Heinz…
Tuy nhiên, trong danh sách thuế quan mới nhất của chính quyền Trump bao gồm tất cả các loại nước ép. Vì vậy, SDIC Zhonglu đang cố gắng để thuyết phục các bậc phụ huynh Trung Quốc, những người truyền thống đã không mua đồ uống cho trẻ em.
“Chúng tôi đang nghiên cứu và tung ra sản phẩm mới để tạo ra nhu cầu về nước trái cây nhiều hơn cho người tiêu dùng Trung Quốc”, công ty cho biết trong một tuyên bố. “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đẩy nhanh sự thay đổi của chúng tôi về cơ cấu thị trường và cơ cấu sản phẩm”.
Một thách thức lớn khác đối với các nhà sản xuất đại lục: Nhiều người Trung Quốc có thể đánh đồng họ như các thương hiệu địa phương với chất lượng kém. Tuy nhiên, Fielding Chen, nhà kinh tế Trung Quốc của Bloomberg cho biết, các doanh nghiệp có truyền thống bán sản phẩm của họ cho Hoa Kỳ có lợi thế. “Nếu bạn có thể xuất khẩu sang Mỹ, điều đó có nghĩa là chất lượng của bạn là tốt”, ông nói. “Điều này sẽ là một lợi thế cho họ trong việc phát triển thị trường trong nước”.
Zhuo, nhà sản xuất đồ nội thất nói rằng, ông cũng hy vọng điều đó sẽ xảy ra. “Thị trường nội địa mang lại hy vọng và cơ hội cho các nhà sản xuất để đạt được lợi nhuận lớn”.