Điều hành giá xăng dầu: Cái gì có lợi cho dân thì làm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng |
Một vấn đề đang được đặt ra hiện nay đối với bài toán ngân sách là giá dầu thế giới đang giảm sâu, trong khi một nguồn thu ngân sách khá lớn là từ xuất khẩu dầu thô. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?
Việt Nam cũng là nước xuất khẩu dầu thô. Hiện nay giá dầu thô giảm liên tục, xuống mức rất thấp trong mấy năm trở lại đây. Nếu so với năm ngoái, có lúc lên tới trên 100 USD/thùng, bây giờ chỉ còn 75-76 USD. Chính vì thế, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô hiện nay đang giảm.
Tuy nhiên giá dầu thô giảm thì giá xăng dầu thành phẩm cũng sẽ giảm. Vì thế, Việt Nam cũng có cái lợi vì chúng ta nhập đến 70% sản phẩm xăng dầu tiêu thụ trong nước.
Đấy là khó khăn nhưng mình không thể vừa muốn xuất được dầu thô với giá cao và muốn nhập được xăng dầu thành phẩm với giá thấp.
Việt Nam chủ động ứng phó như thế nào khi giá xăng dầu giảm sâu và còn giảm nữa?
Có 2 cách, tăng cường khâu dự trữ dầu thô. Hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện chiến lược này. Đấy là cách vừa thực hiện đảm bảo an ninh năng lượng dầu khí cũng như ứng phó với biến đổi giá bất lợi cho khai thác và sản xuất dầu trong nước.
Để ứng phó với giá dầu giảm sâu chúng ta cũng phải tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo để điều chỉnh kế hoạch khai thác. Không phải khai thác đều trong năm mà có thể căn cứ vào diễn biến để đưa ra mức khai thác phù hợp. Theo đó, nếu thấy giá dầu lúc có lợi thì tăng khai thác lên, còn khi nào giá bất lợi thì giảm lượng khai thác, sản xuất.
Tiến tới chúng ta phải làm theo cách này, vì bây giờ một số nước đang áp dụng, nhưng muốn làm được thì dự báo phải tương đối chính xác diễn biến, nhu cầu thị trường.
Vậy chúng ta có điều chỉnh mục tiêu ngân sách không, thưa ông?
Hiện nay chưa nói gì đến việc điều chỉnh vì Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đang xem xét thông qua Nghị quyết về kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015. Còn diễn biến thị trường dầu thế giới rất khó lường, vì không phải chỉ vấn đề kinh tế mà còn chính trị giữa các nước khai thác dầu với những nước nhập khẩu dầu, rồi vấn đề tranh chấp lãnh thổ, khu vực… tất cả những yếu tố này đều liên quan đến giá dầu.
Tình hình xung đột chính trị giữa các quốc gia, khu vực chưa thể dự đoán sẽ đi đến đâu cho nên khó có thể dự báo chính xác xu hướng về khai thác và tiêu thụ dầu trên thế giới.
Tuy nhiên, điều chúng ta có thể làm lúc này là phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, nắm bắt tình hình và cũng phải đưa ra một số kịch bản ứng phó với diễn biến xấu xảy ra để làm sao có thể đảm bảo vẫn khai thác được dầu nhưng hiệu quả cao nhất. Đó là câu hỏi đặt ra với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công thương. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội.
Kịch bản đó gồm các tình huống: Giá dầu có thể tiếp tục giảm như hiện nay; giảm một thời gian rồi tăng dần lên theo kiểu tiệm tiến và có thể có những đột biến tăng lên cao ngay.
Với giá thành sản xuất dầu hiện nay, liệu xuất khẩu có lãi?
Tôi chưa kiểm tra lại nhưng tôi nghĩ nếu xuất khẩu với giá 76 USD/thùng thì lãi rất ít.
Vậy Bộ trưởng đánh giá thế nào về Nghị định 83/2014/NĐ-CP?
Điều hành giá xăng dầu hiện đã bắt đầu tuân theo quy định của Nghị định 83. Theo Nghị định 84 thì tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu gồm Bộ Tài chính và Công thương nhưng Bộ Tài chính chủ trì. Còn theo Nghị định 83 thì vẫn 2 bộ này nhưng thay lại Bộ Công thương là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp. Tất cả những gì liên quan đến điều chỉnh xăng dầu đều có ý kiến của hai bộ.
Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã điều chỉnh giá xăng dầu nhiều lần, tổng số tiền giảm giá đã cao hơn số tăng giá. Nghị định 83 mới có hiệu lực từ 1/11/2014 nên chưa thể đánh giá mặt được hay chưa được.
Có mấy nội dung mới trong Nghị định mới là tạo thêm cơ hội cho các DN kinh doanh xăng dầu để cạnh tranh hơn, cái đó có lợi cho người tiêu dùng. Thứ hai, khi đã có nhiều DN tham gia trên thị trường bán lẻ xăng dầu thì buộc các DN phải luôn tìm cách phục vụ tốt hơn, cải tiến công nghệ trong phân phối, bán xăng dầu. Thứ ba, tạo điều kiện, cơ sở để thị trường xăng dầu phát triển.
Cái mới nữa là rất nhiều DN xăng dầu đầu mối thực hiện phương thức bán lẻ, trước đây chỉ có các đại lý. Bây giờ có cả đại lý, có cả mua đứt, bán đoạn, nhượng quyền, tạo thuận lợi cho DN.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, sáng nay (7/11), trả lời câu hỏi của VOV.VN về việc hiện tại các DN kinh doanh xăng dầu đang lãi hơn 1.000 đồng/lít, vậy liên bộ Tài chính – Công thương có điều hành giá xăng dầu giảm tiếp hay không, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo Nghị định 84, thời gian điều chỉnh được phép tới ngày 27/11 mới điều chỉnh. Nếu theo Nghị định thì đáng lẽ chúng ta phải chờ đến ngày 27/11 mới được giảm giá. “Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là khi giá xăng dầu thế giới đã giảm thì không máy móc thực hiện theo qui định đó. Nếu mình thấy có lợi cho dân thì làm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, liên Bộ đã thống nhất điều chỉnh giảm. Từ 9h sáng hôm nay đã gửi thông báo giảm giá xăng dầu tới các DN đầu mối. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 520 đồng/kg, dầu hỏa giảm 351 đồng/lít, dầu mazút giảm 895 đồng/kg và giá xăng giảm 940 đồng/lít” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm, liên bộ thông báo cho các DN từ 9 giờ sáng nay, nhưng giá xăng chính thức giảm từ 11 giờ để DN kiểm kê hàng hóa. “Việc giảm giá xăng dầu lần này không phải do dư luận mà do tính toán giữa lợi ích của người dân và DN” – Bộ trưởng cho biết thêm. Theo Bộ trưởng, từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm và mức giảm này đã cao hơn tổng mức tăng giá. |
Dương Công Chiến