Điều hành tỷ giá: Linh hoạt, chủ động ứng phó với biến động thị trường
Thị trường vẫn duy trì ổn định
Phiên họp chính sách cuối năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong hai ngày 15 và 16/12 tới đây chắc chắn sẽ lại một lần nữa trở thành tâm điểm của giới tài chính toàn cầu, sau quyết định chưa nâng lãi suất ở kỳ họp trước. Khả năng cao là lãi suất USD sẽ được điều chỉnh sau nhiều năm ở mức thấp kỷ lục, và điều này chắn chắn sẽ có tác động tới tỷ giá của VND. Tuy nhiên, cũng rất khó nhận định về USD. Bởi Fed nếu đi vào chu trình nâng lãi suất, thì sẽ không chỉ nâng có một lần.
Chính sách đi trước một bước giúp DN chủ động cân đối sử dụng vốn vay ngoại tệ |
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), đơn vị này cho rằng chưa thấy yếu tố lớn có thể gây áp lực lên tỷ giá từ nay tới hết năm 2015. Theo dõi trên thị trường tuần qua, tỷ giá giữa đồng Đô la Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VND) vẫn giữ ở mức ổn định. Sáng 10/12, giá bán USD của NH phổ biến quanh 22.510 đồng/USD. Chỉ một số ít NH điều chỉnh tăng, giảm nhẹ giá mua - bán USD 5-10 đồng. Hiện giá bán phổ biến tại các NH là 22.510 đồng/USD.
Theo biểu đồ (ảnh minh hoạ) thì trong gần một tuần qua, tỷ giá giữa USD và VND không có quá nhiều sự chênh lệch, chỉ đôi lúc có giảm nhẹ. Như vào thời điểm ngày 9/12, USD có suy yếu, nhưng hầu hết các NHTM vẫn giữ nguyên tỷ giá bình quân liên NH ở mức 21.890 đồng/USD so với ngày trước đó.
Tuần qua, tỷ giá giữa đồng USD và VND vẫn duy trì ở mức khá ổn định |
Trái với thế tạm ổn định giữa USD và VND, thì thị trường tài chính toàn cầu càng về cuối năm càng chứng kiến nhiều biến động.
Cuối tháng 11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đủ điều kiện đưa vào rổ các loại ngoại tệ để tính giá trị đồng tiền (SDR). Nhiều ý kiến cho rằng CNY “lên ngôi” sẽ có ảnh hưởng nhất định với Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tác động của CNY sẽ chưa quá mạnh mẽ, bởi quy mô của CNY trong thanh toán và dự trữ ngoại hối trên thế giới còn khiêm tốn.
Một yếu tố nữa cũng là lợi thế giúp cho việc ổn định thị trường Việt Nam, đó là việc cán cân thương mại của Việt Nam đang giữ xu hướng tăng trưởng mạnh.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11/2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 285,6 tỷ USD, tăng 10,6% (tương ứng tăng 27,46 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 140,87 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 10,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 144,73 tỷ USD, tăng 13,2% (tương ứng tăng 16,89 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014.
Nhà điều hành luôn giữ thế chủ động
NHNN luôn kiên định với việc giữ ổn định tỷ giá của VND. Đây không chỉ là cam kết trách nhiệm của nhà điều hành chính sách tiền tệ mà còn là nhiệm vụ chính trị của ngành NH.
NHNN vừa chính thức ban hành Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo. Còn nhớ, ở thời điểm NHNN lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư này trùng vào đúng thời điểm tỷ giá có biến động. Nhiều ý kiến cho rằng, vì có điều chỉnh về tỷ giá nên mới tác động lên việc lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư này.
Tuy nhiên, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định: Việc đưa ra Dự thảo Thông tư hoàn toàn không phải do biến động tỷ giá, mà NHNN đã có sự chuẩn bị chủ động từ trước. Các tính toán của NHNN đều dựa trên lợi ích chung của nền kinh tế, giúp cho áp lực ngoại tệ, nếu có, được phân bố đồng đều hơn. Một lần nữa, NHNN thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén trong điều hành chính sách tiền tệ.
Và với việc ban hành Thông tư 24 trước thềm 2016 trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động sẽ giúp DN chủ động được phương án sản xuất kinh doanh cũng như tính toán việc trả nợ cho hợp lý, tránh dồn áp lực cầu ngoại tệ vào cùng một thời điểm, từ đó giảm thiểu rủi ro cho DN đồng thời góp phần ổn định thị trường.
Trước đó, việc NHNN ban hành Thông tư 15/2015/NHNN cũng đã quy định khá chặt chẽ việc mua, bán ngoại tệ. Việc siết chặt hơn quy định về giao dịch ngoại tệ giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ hoặc mua và găm giữ USD trước khi nhu cầu thanh toán phát sinh, từ đó giảm bớt áp lực cầu ngoại tệ. Thêm nữa, cơn sốt USD ở thời điểm cuối năm có phần giảm nhiệt, khi NHNN đẩy mạnh việc bán ngoại tệ.
Trở lại vấn đề điều chỉnh lãi suất của Fed, các chuyên gia cho rằng sẽ không tác động nhiều đến thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong môi trường nền kinh tế đang hội nhập ngày một sâu rộng hơn thì chúng ta cần có sự chủ động cao hơn để kịp thời ứng phó với biến động của thị trường.
Trung tâm Nghiên cứu của BIDV đề xuất: NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ ngành để xây dựng các kịch bản diễn biến thị trường, theo đó có thể phối hợp đồng bộ, ứng phó kịp thời và hiệu quả trước các diễn biến thị trường, bao gồm trong năm 2016 cũng như trong trung – dài hạn. Việc xây dựng kịch bản thị trường và giải pháp ứng xử cho năm 2016 và đưa ra các thông điệp cụ thể định hướng thị trường về lãi suất cũng như tỷ giá cho năm tới là rất cần thiết.
Đặc biệt, với một thị trường còn nặng về yếu tố tâm lý như Việt Nam thì NHNN cần tiếp tục có các thông điệp cũng như hành động cụ thể, kịp thời để tránh thị trường bị cộng hưởng tạo ra các biến động vượt ngoài tầm kiểm soát…
Thị trường tài chính là thị trường khó đoán định, nên để tính toán thiệt hơn là chuyện chưa thể khẳng định được ngay. NHNN hẳn sẽ vẫn giữ cam kết của mình, nhưng đồng thời cũng luôn chủ động để có thể lường trước mọi diễn biến có thể xảy ra trên toàn cầu tác động tới nền kinh tế của Việt Nam.