Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá
Ông Phạm Hồng Hải |
Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác.
Theo đó, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Về cơ bản, tỷ giá niêm yết và giao dịch hàng ngày của các ngân hàng sẽ biến động nhanh và sát cung cầu thị trường hơn. Cơ chế này khá tương đồng với cách điều hành tỷ giá mà Trung Quốc đã áp dụng từ 2005 tới nay, vốn được gọi là cơ chế thả nổi có kiểm soát (managed floating).
Cùng với tỷ giá trung tâm, cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN còn bổ sung công cụ phái sinh.
Cụ thể, thay vì trước đây, NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giao dịch giao ngay thì nay NHNN và TCTD giao dịch ngoại hối có kỳ hạn. Đó là công cụ tài chính không chỉ cho phép các ngân hàng phòng ngừa rủi ro, mà còn là một trong những dịch vụ có tỷ lệ sinh lời cao. Trên thế giới, công cụ phái sinh đã được sử dụng từ lâu.
Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC – Phạm Hồng Hải – đã chia sẻ một số kinh nghiệm với các doanh nghiệp trước lo ngại tỷ giá sẽ biến động hàng ngày, thậm chí có thể ngoài khả năng dự đoán của doanh nghiệp khiến họ khó khăn trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Ông có đánh giá như thế nào về cơ chế điều hành tỷ giá mới được áp dụng từ ngày 04/1/2016?
NHNN đã quyết định đúng đắn khi chuyển qua cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn trong năm 2016 thay vì neo tỷ giá cố định một thời gian dài và điều chỉnh tỷ giá mạnh từng đợt. Trung Quốc đã chuyển qua cơ chế tỷ giá linh hoạt vào tháng 8 dựa trên cung cầu thị trường. Tỷ giá các đồng tiền của các thị trường mới nổi cạnh tranh trực tiếp về xuất khẩu với Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong 2016.
Do đó, cơ chế tỷ giá linh hoạt của NHNN sẽ giúp giảm áp lực tích tụ quá lâu và tạo sự thông thoáng trên thị trường ngoại hối. Khi tỷ giá thay đổi theo biên độ nhỏ hàng ngày, bản thân người dân và doanh nghiệp cũng sẽ quen với việc tỷ giá biến động và doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống rủi ro tỷ giá.
Vậy các doanh nghiệp đã quen với việc sử dụng các công cụ phái sinh trong phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, thưa ông ?
Trước đợt biến động tỷ giá tháng 8 năm 2015, có 90% doanh nghiệp nhập khẩu không bảo hiểm tỷ giá, số 10% còn lại là các công ty đa quốc gia, sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá theo chính sách chung của tập đoàn.
Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực. Các hợp đồng bảo hiểm tỷ giá của các doanh nghiệp Việt Nam thường cũng rất ngắn hạn. Hơn 80% hợp đồng có thời hạn dưới ba tháng.
Các doanh nghiệp thường bỏ qua việc bảo hiểm cho các nghĩa vụ thanh toán dài hạn ví dụ như các khoản vay USD trung và dài hạn ở nước ngoài. Đến khi thị trường biến động mạnh thì các doanh nghiệp mới tham gia vào các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro dài hạn như hoán đổi tiền tệ chéo (CCS). Lúc đó thì chi phí để bảo hiểm đã tăng rất cao so với lúc thị trường còn đang ổn định.
Ngoài ra, các sản phẩm như hoán đổi lãi suất một đồng tiền cho USD (IRS) hiện tại cũng khá đa dạng và có nhiều lựa chọn cho khách hàng để bảo hiểm rủi ro biến động lãi suất, đặc biệt khi lãi suất USD đang có xu hướng tăng cùng với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản đồng USD.
Vậy doanh nghiệp nên làm gì để có thể chủ động trước các diễn biến mới về tỷ giá?
Lời khuyên của tôi là các doanh nghiệp nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai, chủ động tự bảo vệ thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN. Quản trị rủi ro tỷ giá sẽ giúp ổn định dòng tiền của doanh nghiệp.
Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp tập trung vào mảng kinh doanh chính của mình thay vì đầu cơ kinh doanh tỷ giá, một lĩnh vực doanh nghiệp không có nhiều thông tin và chuyên môn.