Doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử
Nhiều “cửa ngách” để xuất khẩu
Cũng giống như cách các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tìm thị trường ngách khi quyết định đầu tư các sản phẩm mà vốn liếng có hạn, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết sinh thái Việt Nam cho biết, những ngày đầu mò mẫm xuất khẩu chè hữu cơ, ông gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn lực có hạn. Chè Việt Nam bị ấn tượng vô cùng xấu do các thông tin bị dư lượng thuốc bảo về thực vật. Trong tình thế này mà chỉ ở nhà mua dữ liệu, tìm kiếm bạn hàng qua internet thì chắc chắn rất khó khăn. Do đó, ông Đức đã tranh thủ những chuyến đi xúc tiến thương mại để thuê xe chạy khắp “ngang cùng ngõ hẻm” của trời Âu để quảng bá chè hữu cơ Việt Nam đến từng người.
“Năm đầu tiên chúng tôi đến họ không gặp nhưng năm thứ 2 chúng tôi vẫn gửi mẫu để họ thử. Dù không nhận được phản hồi nhưng năm thứ 3 chúng tôi tiếp tục gửi mẫu… Cuối cùng chúng tôi cũng nhận được phản hồi tích cực” - ông Đức kể.
Tuy nhiên, để có thể chuyên tâm vào phát triển và sản xuất hàng chất lượng xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng, ông Đức đề nghị các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp như hiệp hội có thể trở thành công ty cung cấp dịch vụ - những dịch vụ chiếm khoảng 20% thời gian và công sức của doanh nghiệp. Ví như duy trì giấy chứng nhận an toàn, cung cấp các thông tin về cơ chế chính sách, thông tin thị trường…
Có nhiều cách để đưa hàng Việt ra thế giới |
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho biết, Vietcraft đã xác định từ đầu là một đơn vị cung cấp dịch vụ, chấp nhận cạnh tranh. Hiệp hội tham gia hội chợ như một doanh nghiệp, tìm kiếm khách hàng và bán lại thông tin cho doanh nghiệp. Nhưng theo ông Ngọc, một mình hiệp hội nỗ lực cũng không đủ nên việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu vẫn cần sự hỗ trợ của nhà nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần Panaman khẳng định, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng vẫn ngồi chờ nhà nước và không biết liên kết với nhau để cùng tìm kiếm thị trường. “Chúng ta phải thay đổi tư duy trong xúc tiến thương mại. Phải tự làm. Đã có ngoại giao nhân dân rồi, tại sao chúng ta không tìm cách thực hiện thương vụ nhân dân” - ông Bảo gợi ý.
Theo ông Bảo, các hội có thể tự thành lập văn phòng xúc tiến thương mại tại các thị trường trên thế giới để có thể tiếp cận gần nhất, chính xác nhất với nhu cầu thị trường. Mỗi văn phòng chỉ cần 1-2 người và nguồn lực có thể tận dụng chính là các du học sinh hoặc những thế hệ người Việt thứ 2 sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Đánh giá cao vai trò chủ động của doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua của Việt Nam là từ sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp. Nhưng vì đặc điểm của nền kinh tế Việt nhỏ nên cần tìm các phân khúc thị trường ngách, để từ thị trường ngách mới vươn tới các thị trường lớn hơn ở từng quốc gia.
Tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu…
Ông Gijae Seong, Giám đốc phát triển bán hàng toàn cầu, Amazon Đông Nam Á và châu Úc cho hay, công việc của ông là phát hiện các sản phẩm Việt Nam tiềm năng giúp các sản phẩm ấy xuất hiện ở châu Âu và Mỹ.
Số liệu thống kê cho thấy, trên 50% số lượng doanh nghiệp bán hàng trên Amazon là của DNNVV, đều là các doanh nghiệp không có tiềm lực lớn để có thể thực hiện các bước maketing rầm rộ khi bước chân vào thị trường lớn. Do đó, xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử khá hiệu quả.
Thương mại điện tử giúp hạn chế những rắc rối mà thương mại bình thường gặp phải như rút ngắn khâu trung gian, không cần sự tương tác nhiều, không cần phải có nhiều chi nhánh/cửa hàng. Đặc biệt là nhận được phản hồi của khách hàng ngay lập tức mà không cần chờ các báo cáo hàng tháng, hàng năm.
Ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án LinkSME cho rằng, hiện nay, Việt Nam được biết đến như là một nhà xuất khẩu lớn nhưng các sản phẩm xuất khẩu lại chủ yếu thuộc về doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam không thu lại được nhiều lợi nhuận.
Do đó, tăng “hàm lượng địa phương” trong các sản phẩm của doanh nghiệp FDI là con đường duy nhất để đưa Việt Nam ra với thế giới. Theo ông Ron Ashkin có tới 85% sản phẩm của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trị giá "50 tỷ USD" nên việc doanh nghiệp Việt cân nhắc và tìm đúng thế mạnh, sở trường của mình để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu là cách xuất khẩu hàng hóa khá hữu hiệu.