Doanh nghiệp Việt: Tận dụng cơ hội như thế nào từ hội nhập?
TIN LIÊN QUAN | |
Phải giải được bài toán “lan tỏa” trong thu hút FDI | |
Hội nhập và nỗi lo khu vực phi chính thức vẫn không hề giảm đi | |
Cơ hội đã rõ, tận dụng có thành? |
Dệt may là một trong những lĩnh vực được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ TPP |
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng các nước ASEAN tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN… với nhiều lĩnh vực được đưa vào cam kết như: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuận lợi hóa thương mại và hải quan, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế…
Theo Bộ Tài chính, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao. Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đạt khoảng 93%, ASEAN-Trung Quốc 84% số dòng thuế về 0%, ASEAN-Hàn Quốc 78% và ASEAN-Nhật Bản 62%. Cam kết về thuế nhập khẩu trong 2 khuôn khổ FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam - EU có tỷ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế. Trong hiệp định TPP, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, các nước thuộc TPP cam kết xóa bỏ từ 78% - 95% số dòng thuế trong biểu thuế cho Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực và sẽ xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế trong biểu thuế ở cuối lộ trình giảm thuế. Như vậy, cho đến nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện, dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Những ưu đãi thuế quan này sẽ là cơ hội cho DN tăng thêm khả năng cạnh tranh trên thị trường rộng lớn.
Đặc biệt, nhằm giúp DN tận dụng cơ hội từ hội nhập, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những chính sách quyết liệt nhằm cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các chính sách cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã được cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Theo đó, từ triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, số giờ nộp thuế của DN đã giảm được 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế chỉ còn 117 giờ, đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19 năm 2015 về cải cách thủ tục hành chính đặt ra. Theo kết quả khảo sát đánh giá “Mức độ hài lòng của DN” về cải cách thủ tục hành chính thuế do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp thực hiện mới đây, có trên 71% DN hài lòng với cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, 92% DN cho rằng những quy định về chính sách, pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhưng vậy, nhưng câu hỏi DN Việt sẽ tận dụng cơ hội ra sao lại đang được đặt ra cho chính các DN. Theo TS. Trần Du Lịch, trong hội nhập, cơ hội mở ra cho các DN là giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ là DN có tận dụng được không. DN Việt hiện đang tồn tại không ít yếu kém như: năng lực cạnh tranh còn yếu; khả năng quản lý và nguồn nhân lực nhìn chung chưa theo kịp với tiến trình toàn cầu hóa. Hơn nữa, hầu hết DN còn thiếu hiểu biết về các quy định liên quan đến hội nhập. Đây sẽ là một bất lợi lớn của DN nội và thua thiệt trong các tranh chấp pháp lý. Do vậy, trong thời gian tới, khi bước chân vào một sân chơi rộng và khắc nghiệt hơn, DN cần chủ động và tích cực tìm hiểu các kiến thức, thông tin về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với hàng hóa, chính sách cạnh tranh và các quy định về minh bạch, giải quyết tranh chấp... của các hiệp định thương mại tự do.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, DN Việt không nên cạnh tranh bằng giá rẻ mà cần cạnh tranh bằng chất lượng, uy tín và nâng tầm quản trị. Những nỗ lực giảm chi phí trong sản xuất, giảm chi phí do được đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà Chính phủ triển khai quyết liệt thời gian qua sẽ giúp các DN nhanh chóng thích nghi với diễn biến và tình hình của hội nhập. Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, các DN Việt Nam cần quản trị theo chuẩn quốc tế. Các đối tác hiện nay cần các sản phẩm hàng hóa không chỉ chất lượng cao, giá cạnh tranh mà đòi hỏi quy trình sản xuất sản phẩm đó phải mang tính nhân văn, bảo đảm các quy chuẩn phát triển bền vững, không gây tổn hại đến môi trường, thực hiện đầy đủ chính sách với người lao động. Bởi vậy, các DN phải bảo đảm tính liêm chính, minh bạch, sáng tạo để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối với thị trường FTA thế hệ mới.
Một tinh thần khởi nghiệp quốc gia phải thổi vào hồn các DN của Việt Nam một tinh thần trách nhiệm, một niềm tự hào, một sự tin tưởng. DN chúng ta giỏi lắm, thích nghi với điều kiện hội nhập rất nhanh. Vấn đề là Nhà nước phải hỗ trợ DN theo đúng nguyên tắc quốc tế, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đồng thời có chính sách kết nối được DN FDI với DN trong nước, khi DN trong nước mạnh lên rồi thì sự lệch pha giữa 2 khu vực kinh tế này sẽ dần được khắc phục. Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế trung ương |