Phải giải được bài toán “lan tỏa” trong thu hút FDI
Thu hút FDI: Tín hiệu sáng từ đầu năm | |
Hà Nội: Triển vọng thu hút FDI | |
Thu hút FDI: Tận dụng thời cơ hay “biếu không” cơ hội? |
Trong cuộc chơi hội nhập, việc “bắt tay” với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là một đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, bắt tay cần bảo đảm được hai điều: Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị đó và từ đây dần nâng được năng lực của DN Việt để có vị thế mặc cả tốt hơn trong thương mại, đầu tư và chia sẻ lợi ích.
Đây là quan điểm được chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành đưa ra trong trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Các hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa đặt bút ký kết gần đây đang tạo những cơ hội lớn cho các NĐT nước ngoài đầu tư vào mạnh mẽ hơn. Nhìn nhận của ông về vấn đề này?
TS. Võ Trí Thành |
Bước hội nhập sâu rộng hiện nay là một cú huých cho FDI. Nhưng không phải chờ cho đến khi kết thúc đàm phán, ký kết, phê chuẩn, thực thi mà các NĐT đã nhìn thấy trước các cơ hội đó rồi, đặc biệt là các NĐT nước ngoài.
Thực tế trong 2-3 năm vừa qua, chúng ta thấy họ đã đổ mạnh vốn vào Việt Nam để có thể hưởng lợi từ những ký kết các FTA của Việt Nam với các đối tác, đặc biệt là TPP hay EVFTA để tận dụng nguyên tắc quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi thuế quan và chi phí nhân công giá rẻ. Thậm chí nhiều chính khách và NĐT Mỹ đã nói trong tương lai không xa, đầu tư từ Mỹ sẽ chiếm số 1 Việt Nam dù hiện nay họ mới đứng trong tốp 4.
Như vậy, sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam, mà cụ thể là thông qua việc tham gia các hiệp định FTA đã có tác động ngay từ khi đang đàm phán và bây giờ thì càng rõ hơn.
Lợi ích khi các NĐT nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam chắc chắn là việc làm, thu nhập cho người lao động Việt Nam. Đây cũng cần nhìn nhận là một phần của giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, những tác động lan tỏa và lợi ích với nền kinh tế cũng sẽ rất lớn nếu chúng ta có được môi trường pháp lý, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho sự lan tỏa ấy và các DN trong nước tận dụng được. Sự lan tỏa có thể thấy trên nhiều khía cạnh và lĩnh vực, nhưng nổi lên là đối với ngành công nghiệp phụ trợ; ngành dịch vụ hỗ trợ và đặc biệt là lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản lý, kỹ năng lao động.
Trong khi lợi ích về việc làm, thu nhập cho người lao động trong nước đã thấy rõ thì bài toán đặt ra là chúng ta làm sao xây dựng đủ năng lực để khai thác được yếu tố lan tỏa đó?
Đúng vậy, nếu nhìn tổng thể bài toán đầu tư nước ngoài thì có mấy vấn đề cần nhận thức rõ nét hơn.
Một mặt, cần thấy xu thế hoạt động SXKD trên thế giới hiện nay đang được chi phối bởi các mạng, chuỗi đã hình thành và đang tiếp tục phát triển bởi các tập đoàn đa quốc gia lớn. Như vậy dù anh “chơi” hay không chơi thì nó vẫn là như vậy. Nên anh phải chấp nhận bắt tay cho dù nó không đảm bảo cho chúng ta thắng cuộc, tức là đất nước này phát triển về lâu dài. Nhưng rõ ràng nếu không bắt tay thì chắc chắn là không phát triển được.
Song hành với đó, cần chuẩn bị một tâm thế cùng thắng trong cuộc chơi này. Điều này đòi hỏi cái bắt tay với bên ngoài bảo đảm được hai điều: Mình tham gia được, mình thực sự dần nâng được năng lực của con người Việt, DN Việt, qua đó có vị thế mặc cả tốt hơn trong thương mại, đầu tư và chia sẻ lợi ích.
Điều này hàm nghĩa là, cuộc chơi với đầu tư nước ngoài chỉ cùng thắng khi chúng ta tận dụng được tất cả những lan tỏa đó chứ không chỉ là việc làm và thu nhập, vì cần luôn nhớ các NĐT nước ngoài vào đây chủ yếu vì lợi nhuận chứ không phải vào làm từ thiện. Bỏ ra một đồng thì về nguyên tắc về dài hạn họ sẽ phải thu hồi về nhiều hơn một đồng.
Cần chuẩn bị một tâm thế cùng thắng trong cuộc chơi hội nhập |
Để có một cuộc chơi cùng thắng, đòi hỏi chúng ta cần có những gì, thưa ông?
Tạo dựng môi trường kinh doanh (MTKD) và những chính sách để hỗ trợ cho quá trình lan tỏa đó là một yếu tố quan trọng. Về mặt MTKD chung thì đến giờ dù còn khó khăn, thách thức rất nhiều nhưng về cơ bản là chúng ta đã tạo ra chân trời rộng rãi hơn, thuận lợi hơn cho cái bắt tay ấy. Như TPP tạo ra khả năng bắt tay với các thị trường tốt nhất, NĐT nước ngoài tốt nhất.
Thứ nữa là môi trường ấy minh bạch hơn, cạnh tranh công bằng hơn và bên cạnh chi phí tuân thủ nguyên tắc chơi tăng thì những chi phí khác sẽ giảm do thể chế thuận lợi hơn. Các cam kết hội nhập cũng khiến các nỗ lực cải cách thể chế để tương thích được thúc đẩy mạnh hơn.
Nhưng như tôi đã nói, NĐT vào đây mục đích chính của họ là tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy để họ muốn bắt tay thực sự với chúng ta, theo nghĩa sẽ hỗ trợ chúng ta qua các lan tỏa đó, chúng ta phải có những nguyên tắc và chính sách thu hút đầu tư tốt nhất. Nói thì dễ nhưng giải bài toán này không hề đơn giản. Bởi dù Việt Nam đang có ít nhiều lợi thế do hội nhập, đi trước so với nhiều nước khác nhưng nhiều quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút đầu tư.
Nếu chúng ta đòi hỏi ở các DN FDI quá nhiều thì tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư sẽ yếu đi, trong khi nếu để họ vào thoải mái mà không đi kèm những nguyên tắc để đảm bảo tận dụng được tính lan tỏa cũng như các vấn đề về môi trường thì lại “lợi bất cập hại”. Nên đây là cái khéo léo, nghệ thuật trong điều hành.
Và muốn hay không thì Nhà nước cũng chỉ làm được một phần, vì không gian chính sách còn bị ràng buộc bởi những cam kết. Như vậy nó còn cần cả sự vận động của thị trường, trong một môi trường cạnh tranh và minh bạch hơn. Sự vận động của thị trường ở đây chính là hành động, hành vi của các DN. Nỗ lực học hỏi, kết nối của bản thân DN là rất quan trọng, cùng với môi trường chung, với khéo léo trong thu hút đầu tư nước ngoài để có được sự lan tỏa, chuyển giao tốt. Đấy chính là bài toán mà chúng ta phải giải bằng được.
Chúng ta thử nhìn ở Singapore người dân có sướng không, năng lực của người dân có vươn cao không, Singapore có độc lập tự chủ về kinh tế không? Có chứ. Mà Singapore chỉ là nước nhỏ thôi, đúng không? Vậy thì vấn đề chính là cách chơi với thế giới của một nước nhỏ. Chúng ta né tránh, phản đối FDI là không phải. Chúng ta có thể nhìn nhận FDI ở cả khía cạnh tốt, cả không tốt nhưng mục tiêu chính vẫn là làm sao để cho cái bắt tay diễn ra. Đấy là cách nhìn của tôi về FDI.
Xin cảm ơn ông!