Độc canh tín dụng, ngân hàng sẽ mất dần thị phần
Tăng thấp là bình thường | |
Chính phủ thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 tối thiểu 6,7% | |
Điểm tín dụng và cơ hội tiếp cận vốn nhanh |
“Các kết quả nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng: ảnh hưởng tiêu cực của tăng trưởng nóng kinh tế sẽ dẫn đến tăng trưởng nóng tín dụng, mang tới hệ quả về chất lượng khoản tín dụng và hệ lụy đối với thị trường tài chính”, phát biểu của PGS-TS. Đỗ Thị Kim Hảo, Phó giám đốc Học viện NH cũng là nhận định chung được các đại biểu bàn thảo tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu đề tài “Tăng trưởng tín dụng (TTTD) nóng và những ảnh hưởng đối với sự lành mạnh của các NHTM Việt Nam” do Viện Chiến lược NH phối hợp với nhóm nghiên cứu Học viện NH tổ chức ngày 19/4 tại Hà Nội.
IMF khuyến nghị Việt Nam, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 80% là hợp lý |
Khi nào tín dụng tăng nóng?
Theo IMF, TTTD sẽ chỉ được coi là nóng khi tín dụng mở rộng quá mức dẫn đến sự bất ổn, thậm chí có thể sụp đổ khu vực tài chính. PGS-TS. Đỗ Thị Kim Hảo cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng. Đó có thể nằm ở quá trình tự do hoá tài chính, sự xuất hiện của các dòng vốn vào, chu kỳ kinh tế, hay sự bùng nổ của thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán)... Khi TTTD quá nhanh, vượt quá khả năng thẩm định, xem xét cũng như đánh giá chất lượng khoản vay của các NH, hay điều kiện cho vay dễ dàng hơn sẽ dẫn tới suy giảm chất lượng tín dụng.
Phó giám đốc Học viện NH cũng nêu lên một trong những nguyên nhân dẫn tới TTTD nóng ở thời điểm 2007 - 2010 còn phụ thuộc vào mức chấp nhận rủi ro của các NHTM. Hay nói cách khác, ở thời điểm đó, các NHTM dường như “có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn so với khả năng chống chịu rủi ro của mình bằng việc đưa ra các mục tiêu tăng trưởng khá tham vọng về chất lượng tài sản cũng như lợi nhuận...”.
Đồng tình với PGS-TS. Đỗ Thị Kim Hảo, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng việc cảnh báo và phòng ngừa tăng trưởng nóng tín dụng là không bao giờ thừa. “Chính phủ cũng mong muốn tăng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song Chính phủ cũng hiểu rằng luôn phải bình tĩnh với câu chuyện TTTD”. Theo TS. Cấn Văn Lực, một trong những ảnh hưởng của TTTD nóng tới sự lành mạnh của hệ thống NH nằm ở việc phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả. “TTTD vào bất động sản, chứng khoán là bao nhiêu?” luôn là mối quan tâm của các nhà quản lý, điều hành hiện nay.
Nhắc tới khía cạnh dòng vốn ngoại, chuyên gia này nêu quan điểm, việc FDI đầu tư vào bất động sản không quá đáng ngại. Mà dòng vốn gián tiếp (FII) vào thị trường chứng khoán, tài chính mới đáng chú ý bởi dòng vốn này vào - ra rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều. Tỷ trọng đầu tư vào bất động sản năm 2017 khoảng 3 tỷ USD, con số này không quá nhiều nếu so với số vốn đăng ký năm 2017 là 35 tỷ USD, chưa tới 10%. Hiện cho vay bất động sản cũng không quá nhiều, tổng dư nợ của các NHTM cho lĩnh vực này rơi vào khoảng 6%, so với thời kỳ đỉnh điểm là 15 - 16%.
Muốn tăng trưởng an toàn và hiệu quả, NHTM phải kiểm soát rủi ro theo 3 vòng kiểm soát. Và phải xác định rõ hơn trách nhiệm từng vòng một. Đồng thời, trong hệ thống NH quan trọng chính là phải có hạn mức cho vay ngành nghề, đòi hỏi từ việc phân tích rủi ro. Và muốn làm được như vậy buộc các nhà băng phải có hệ thống lưu trữ thông tin cụ thể và chi tiết.
Đừng cắm cúi tín dụng nữa!
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện NH - Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân nhận thấy: Bản thân các nhà quản lý cũng nhận thức rõ rủi ro và hậu quả xấu của việc TTTD nóng, thể hiện trong định hướng chính sách của NHNN, đơn cử như hệ số cho vay khu vực bất động sản lên mức 200%.
“Quan điểm điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước tương đối thận trọng, hạn chế đầu tư quá nóng vào những lĩnh vực này. Hiện nay, việc điều hành hiệu quả của chính sách tiền tệ (CSTT) cũng đặt ra vấn đề mới trong cơ chế truyền dẫn chuyển động của CSTT. Lấy trường hợp của tín dụng tiêu dùng, lĩnh vực này khiến cho cơ chế chuyển động CSTT thích nghi phù hợp hơn, việc điều hành giám sát của NHNN với các TCTD đặc biệt với các TCTD phi NH trong cho vay tiêu dùng cũng có những thay đổi”, ông Tuấn chia sẻ.
Bàn tới tín dụng tiêu dùng, các đại biểu tham dự đều cho thấy có rất nhiều quan điểm xoay quanh vấn đề này. TS. Cấn Văn Lực cho biết: Chính phủ có khuyến khích phát triển tín dụng tiêu dùng, nhưng có kiểm soát. Cần nghiên cứu, xem xét về việc bóc tách rõ hơn việc cho vay mua nhà ở hiện nay, bởi trong cấu phần tín dụng tiêu dùng có cả cho vay mua nhà, sửa chữa nhà.
Chuyên gia này khuyến nghị, “cần phải tách mua nhà cho lĩnh vực bất động sản, còn sửa chữa nhà mới là cho vay tiêu dùng, để giảm thiểu tình trạng mập mờ, thiếu minh bạch dẫn tới khó quản lý”.
Cũng cần lưu ý thêm, tín dụng tiêu dùng hiện nay nằm ở hai đối tượng: NHTM và công ty tài chính cho vay tín dụng tiêu dùng. Khẩu vị rủi ro của hai bên khác nhau, cách thức quản lý khác nhau thì phương thức quản lý cũng phải khác nhau. Còn trường hợp nếu như đánh đồng vào mô hình chung, thì nợ xấu của hệ thống NH sẽ bị đẩy lên rất cao. Vì nếu chiểu theo Thông tư 02 thì: công ty tài chính cho vay tiêu dùng bị nợ xấu, NHTM cho vay tiếp với khách hàng đó thì NHTM cũng chịu chung tỷ lệ nợ xấu của khách hàng này. Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, cần có hai thông tư quản lý tín dụng tiêu dùng riêng cho hệ thống NHTM và công ty tài chính.
Một vấn đề nữa cũng được các đại biểu thảo luận liên quan tới vấn đề độc canh tín dụng tại các NHTM. TS. Đặng Anh Tuấn cho rằng nếu muốn phát triển về các dịch vụ tài chính thì việc quan trọng là phát triển thị trường vốn cũng như thị trường dịch vụ tài chính.
Ths. Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện Chiến lược NH cũng nhận thấy: “Quyết định 1726 của Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH cho nền kinh tế cũng là lời nhắn gửi tới các NHTM Việt Nam đừng độc canh tín dụng nữa mà phải khẩn trương chuyển sang tăng thu từ dịch vụ. Nếu chần chừ, thì chỉ riêng mảng dịch vụ tài chính di động thôi NH Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các định chế tài chính nước ngoài. Cứ cắm cúi làm tín dụng, các NH sẽ mất đi thị phần…”.