Tăng thấp là bình thường
Điểm tín dụng và cơ hội tiếp cận vốn nhanh | |
Giảm đầu vào, hỗ trợ lãi suất đầu ra | |
Tăng trưởng tín dụng: Chất lượng là yếu tố tiên quyết |
TS. Cấn Văn Lực |
Theo báo cáo tình hình kinh tế - tài chính quý I/2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), tín dụng ước tính tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017 thấp hơn năm trước. Vì sao tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) thấp hơn so cùng kỳ năm 2017.
Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi nhanh với Giám đốc Trường đào tạo phát triển nguồn nhân lực BIDV TS. Cấn Văn Lực.
Theo ông, vì sao tín dụng những tháng đầu năm nay tăng thấp hơn so với năm trước?
Nếu so với cùng kỳ năm 2017 tín dụng tăng 4,3% thì đúng là TTTD quý I/2018 có phần chậm hơn. Nhưng so với nhiều năm trước đây thì vẫn cao hơn. Tôi cho rằng tín dụng tăng trong quý I như vậy là bình thường, chưa nói lên điều gì. Theo tôi, có khả năng tốc độ tăng chậm hơn so với năm trước do định hướng TTTD năm nay thấp hơn so với năm ngoái. Trên thực tế, NHNN cũng đang giao cho các NHTM room tín dụng ở mức thấp hơn.
Một lý do nữa có thể ảnh hưởng đến do nhu cầu vay vốn NH của khách hàng có phần giảm đi là do tìm được nguồn vốn kinh doanh từ những kênh khác như kênh chứng khoán, IPO, CPH… bên cạnh lợi nhuận từ chính hoạt động kinh doanh thuận lợi được DN giữ lại bổ sung nguồn vốn lưu động.
Liệu có nguyên nhân tác động từ việc thắt chặt tín dụng vào bất động sản?
Tôi nghĩ đó không phải là lý do. Vì không phải đến thời điểm này NHNN mới kiểm soát cho vay vào lĩnh vực này mà đã thực hiện trong vài năm gần đây. Trừ khi NHNN có động thái chính sách mới rõ rệt hơn trong việc kiểm soát cho vay tiêu dùng. Vì NH cho khách hàng vay mua nhà để ở vẫn đang tính vào cho vay tiêu dùng. Cá nhân tôi vẫn khuyến khích cho vay tiêu dùng, nhưng đương nhiên phải quản lý chặt chẽ để kiểm soát rủi ro.
Có ý kiến e ngại khi tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2018, quan điểm của ông?
Đúng là tôi hơi băn khoăn chỉ số này có nhích lên chút khi tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn đến hết quý I/2018 tăng 4,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 2,6% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, tôi cho rằng, số liệu tính đến quý I cũng chưa nói lên điều gì. Tỷ trọng tăng lên đó có thể còn do một số khoản vay trung, dài hạn từ năm ngoái đến đầu năm nay NH mới giải ngân.
Đây là điểm cần lưu ý, theo dõi trong thời gian tới chứ chưa nhất thiết cần phải có cảnh báo gì. Vì tất cả số liệu cơ cấu tín dụng cho vay ngắn hạn, trung dài hạn, cá nhân hay DNNVV, DN lớn… NHNN đều nắm rất sát. Nên nếu NH nào để cơ cấu tín dụng không phù hợp hay cho vay các lĩnh vực rủi ro NHNN sẽ phát hiện và cảnh báo ngay tới NH đó.
Thế giới đang có nhiều biến động phức tạp. Theo ông, hoạt động TTTD NH có bị ảnh hưởng không?
Kinh tế thế giới về cơ bản vẫn ổn. Dự báo tăng trưởng đạt được như năm trước. Còn câu chuyện liên quan đến chiến tranh thương mại cũng sẽ đặt ra thách thức và xen lẫn có lợi đối với Việt Nam. Vì thế, tuy vẫn phải tiếp tục theo dõi sát động thái chính sách của các nước liên quan nhưng tôi cho rằng, sẽ không có tác động quá lớn đối với hoạt động NH cũng như TTTD.
Điều mà tôi nghĩ sẽ bị ảnh hưởng đó là câu chuyện giảm lãi suất ở Việt Nam khó khăn hơn khi Fed liên tục tăng lãi suất, một số NHTW khác thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ tăng lãi suất. Dù rằng mới đây, một số NH điều chỉnh lãi suất huy động nhưng chủ yếu là nhằm cơ cấu lại kỳ hạn chuẩn bị tinh thần để tuân thủ Thông tư 36 trước đây và bây giờ là Thông tư 19 về việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Trước xu hướng trên, tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đồng ý là năm 2018 cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định là tốt rồi.
Xin cảm ơn ông!