Đổi mới hỗ trợ vốn cho nông nghiệp
Nâng cánh cho nông nghiệp công nghệ cao | |
Gói 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp CNC bắt đầu kích hoạt | |
Ngân hàng sẵn sàng nhập cuộc |
Tại Việt Nam, nông nghiệp - nông thôn liên quan đến hàng chục triệu con người, tạo ra phần lớn sản phẩm chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu quốc gia. Để hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển nông nghiệp, trong nhiều năm qua hệ thống ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp.
Theo đó, nhiều chính sách đã triển khai từ việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đến đưa ra các chính sách tín dụng nhằm ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp. Từ đó, tạo ra mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này trung bình khoảng 20%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của cho vay toàn nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Các NHTM song song với việc thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất còn triển khai nhiều gói sản phẩm cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình và DN siêu vi mô. Lĩnh vực áp dụng của sản phẩm đa dạng, bao gồm: cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, các chi phí chế biến, tiêu thụ và kinh doanh các sản phẩm dịch vụ nông nghiệp. Cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn, cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn. Đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ kêu gọi gói 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp thì đã có rất nhiều NHTM vào cuộc một cách tích cực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các chính sách ưu tiên trên chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng chủ yếu những rủi ro vốn có trong nông nghiệp cùng với chi phí giải ngân cao chưa có giải pháp tháo gỡ để các NHTM mở rộng hơn nữa đầu tư cho lĩnh vực này. Gần đây, trong phiên họp Chính phủ tháng 4/2017, để đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trong đó có việc yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Thống đốc NHNN nên bàn trực tiếp vấn đề hỗ trợ vốn cho nông nghiệp. Với những chỉ đạo cụ thể là phải “tiến hành tổng kết, nhân rộng các mô hình thí điểm tích tụ tập trung ruộng đất ở Thái Bình, Hà Nam, An Giang, Đồng Tháp bảo đảm đúng pháp luật, quyền lợi lâu dài của doanh nghiệp và người nông dân, tránh tranh chấp, bất ổn”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ vốn cho nông nghiệp cần có sự đổi mới trong chính sách hỗ trợ, tập trung đưa ra chính sách để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho các NHTM khi thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp gữa các bộ ngành liên quan, không loại trừ việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó các NHTM cũng cần chủ động điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay, tăng quỹ dự phòng phòng tránh rủi ro cho lĩnh vực này và cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện vay vốn.
Quan trọng hơn, để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả với sản xuất nông nghiệp thì phải triển khai đồng bộ trên diện rộng, không chỉ ở một xã, một dự án mà phải trên cơ sở xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng. Cần mạnh dạn dồn điền, đổi thửa, cho phép tích tụ ruộng đất lớn để đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Tổng kết, nhân rộng mô hình thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp quan trọng cần tiến hành khẩn trương làm cơ sở xây dựng mô hình cho phát triển nông nghiệp phù hợp với thực tế Việt Nam. Đó cũng chính là giải pháp giảm thiểu rủi ro cho hoạt động cho vay của các NHTM.