Đối thủ thành đối tác - tại sao không?
MoMo trở thành tiện ích thanh toán điện tử cho FPT.eGov và FPT.eHospital | |
Thu nộp bảo hiểm qua ngân hàng điện tử: Lợi cả đôi đường |
Ảnh minh họa |
Hôm 5/9, FPT công bố Ví điện tử MoMo thuộc sở hữu của Công ty Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) và Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT-IS) vừa ký hợp tác chiến lược cung cấp dịch vụ thanh toán qua hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital và hệ thống chính quyền điện tử FPT.eGov.
FPT.eHospital đến nay đã được triển khai tại hơn 300 bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, trong đó có các bệnh viện lớn tuyến trung ương như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu Nghị, các bệnh viện ở Quảng Ninh, Đồng Nai, Đà Nẵng… Theo FPT IS, hệ thống FPT.eHospital của công ty này hiện phục vụ gần 20 triệu lượt khám bệnh và tiết kiệm khoảng 1 triệu ngày công/năm…
Trước đó, ngày 1/9/2019, BIDV và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chính thức triển khai kết nối Hệ thống thanh toán điện tử song phương trên toàn quốc. Đại diện BIDV cho biết việc triển khai hệ thống này sẽ điện tử hóa công tác thu/nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho các tổ chức, cá nhân với nhiều hình thức, tiện ích, kênh thanh toán hiện đại và đa dạng như: internet banking, mobile banking, thanh toán hóa đơn online, chuyển tiền liên ngân hàng, trích nợ tự động, thanh toán tại quầy...
Thực ra cạnh tranh trong phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là tất yếu, đã nhìn thấy trước của các ngân hàng khi xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi.
Theo thống kê từ Vụ Thanh toán (NHNN) tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng 23,23% về số lượng và 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ). Bình quân số lượng giao dịch đạt trên 635 nghìn giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 354 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 16,5 tỷ USD/ngày).
Thực tế hệ thống ngân hàng đã tích cực đầu tư hệ thống công nghệ, nỗ lực cải tiến quy trình nghiệp vụ và phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ công, tổ chức cung ứng hàng hóa dịch vụ… để cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích như: trích nợ tự động, thanh toán qua QR Code, thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán Internet, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử… cho phép khách hàng thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, mọi lúc mọi nơi.
Đến nay, đã có 76 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán qua kênh Internet Banking và 41 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán qua kênh Mobile Banking (thanh toán Mobile quý I/2019 tăng 232% về giá trị và 98% về số lượng so với quý I/2018); 24 ngân hàng, 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code. Toàn thị trường có hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code…
Tuy nhiên, nếu như hệ thống ngân hàng đã có bề dày kinh nghiệm hơn chục năm phát triển dịch vụ TTKDTM (nếu tính từ khi các TCTD triển khai Đề án TTKDTM giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020) thì các thành viên mới trên thị trường (như FPT nói trên) lại có lợi thế về công nghệ, sự nhạy bén, nhanh nhạy trước nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tới đây, sẽ không chỉ có ví điện tử mà có thể các nhà mạng viễn thông sẽ tham gia thị trường TTKDTM. Khi đó, thương trường sẽ thực sự là chiến trường.
Hiện tượng tăng trưởng tín dụng âm trong 6 tháng đầu năm 2019 của một số NHTM như một liều thuốc đắng thôi thúc ngân hàng phải có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa mảng phi tín dụng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán. Nếu như trước đây tăng thu từ dịch vụ là định hướng phát triển của ngân hàng thì giờ đã trở thành cuộc chiến thực sự. Bởi đây không chỉ là thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN về phát triển TTKDTM mà là sự cạnh tranh sống còn khi ngoài hệ thống ngân hàng, ngày càng có nhiều hơn thành viên mới tham gia thị trường TTKDTM.
Nếu không tận dụng mọi lợi thế, thậm chí biến đối thủ cạnh tranh thành đối tác chiến lược, thì e rằng hệ thống ngân hàng khó giữ được vị thế trên thị trường thanh toán như hiện nay.