Thu nộp bảo hiểm qua ngân hàng điện tử: Lợi cả đôi đường
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Nhằm thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh thanh toán điện tử trong phối hợp thu nộp và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai, cung ứng đa dạng các dịch vụ thanh toán điện tử đối với việc thu nộp và chi trả các chế độ bảo hiểm.
Ngay từ những ngày đầu năm, BHXH TP. Hà Nội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Hà Nội đã phối hợp thực hiện thí điểm kết nối thanh toán điện tử tại Văn phòng BHXH TP. Hà Nội.
Trong thời gian thí điểm, hai bên đã phối hợp thực hiện thành công 14.494 giao dịch với tổng giá trị giao dịch là 1.862 tỷ đồng; thực hiện thành công 5.102 giao dịch điều vốn cuối ngày với tổng giá trị giao dịch là 13.027 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở thí điểm, mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai hệ thống thanh toán điện tử song phương với BHXH Việt Nam trên toàn quốc.
Chị Nguyễn Thị Minh Hường (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Tôi hoàn toàn có thể chủ động về mặt thời gian và chi phí đi lại khi không phải tới các điểm thu phí theo quy định, các thủ tục hành chính cũng được giảm đáng kể.
Theo đó, các hình thức và kênh thanh toán hiện đại, đa dạng đã được một số ngân hàng áp dụng trên toàn quốc như internet banking, mobile banking, thanh toán hóa đơn online, chuyển tiền liên ngân hàng, trích nợ tự động, thanh toán tại quầy... đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp bảo hiểm. Điều này cho thấy, các ngân hàng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan BHXH nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cả người dân cũng như các tổ chức.
Lợi ích dài lâu
Việc thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa các ngân hàng với BHXH là hoạt động thiết thực triển khai hệ thống thanh toán này đã đáp ứng chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và chính sách thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Theo đại diện BIDV: “Việc kết nối hệ thống Thanh toán điện tử song phương được triển khai góp phần đưa chính sách bảo hiểm được tiếp cận sâu rộng đến các cá nhân, đơn vị trên cả nước, hỗ trợ hiệu quả cho ngành BHXH trong công tác thu, thu hồi nợ bảo hiểm từ các doanh nghiệp, cá nhân”.
Về phía BHXH, sự phối hợp với các ngân hàng sẽ góp phần tăng cường nguồn thu cho BHXH thông qua thu, thu hồi nợ bảo hiểm từ các doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả sử dụng vốn; giảm chi phí hành chính, nhân lực nhờ ứng dụng phần mềm công nghệ- thông tin của ngân hàng, qua đó nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý.
Ngoài ra, khi có sự góp sức của các ngân hàng khả năng theo dõi, giám sát, tập trung các nguồn quỹ bảo hiểm của BHXH sẽ nhanh nhất, từ đó thực hiện đầu tư nhằm bảo toàn và phát triển nguồn quỹ bảo hiểm, tối đa hóa hiệu quả các quyết định đầu tư, đảm bảo Quỹ BHXH cân đối trong dài hạn; phục vụ tốt các đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, những người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm.
Để áp dụng thanh toán các chế độ bảo hiểm thông qua ngân hàng điện tử rộng rãi và toàn diện, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH; đẩy mạnh việc triển khai, mở rộng hình thức chi trả này tại các địa phương. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH nhận chế độ qua tài khoản cá nhân cũng cần được quan tâm hơn nữa.