Đồng hành cùng nông dân thời hội nhập
Agribank chi nhánh Nghệ An: 30 năm đồng hành cùng phát triển kinh tế của tỉnh | |
Khi ba "nhà" bắt tay | |
Agribank: Ưu đãi giảm tới 400.000 đồng khi mua sắm trên AeonEshop |
Hơn 30 năm đổi mới của nền kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, ngoài việc cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm để duy trì và cải thiện cuộc sống cho hơn 90 triệu dân, hàng năm đã đóng góp 18%-20% GDP, 23%-35% giá trị xuất khẩu cho nền kinh tế. Thành tựu của nông nghiệp Việt Nam đạt được là nhờ bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có vai trò quan trọng của người nông dân - chủ thể của hoạt động, cùng sự đồng hành tích cực của các TCTD, trong đó có Agribank với nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển “Tam nông” chiếm đến trên 51% thị phần toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Agribank đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân bứt phá phát triển bền vững thời hội nhập |
Cùng nông dân “vươn ra biển lớn”
Tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do vào năm 2015 vừa mở ra cho Việt Nam vận hội mới để hội nhập và phát triển, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là đối với nền nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được xác định là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Với 30 năm gắn bó đồng hành thủy chung cùng bà con nông dân, nhận thấy những thách thức mà người nông dân phải đối mặt trên hành trình hội nhập “sân chơi” chung toàn cầu của nền nông nghiệp nước nhà, Agribank kiên định mục tiêu đồng hành cùng bà con nông dân, hàng năm luôn dành trên 70%/tổng dư nợ đầu tư phát triển “Tam nông”. Nhiều mô hình sản xuất lớn trên khắp mọi vùng miền cả nước được hình thành, xuất hiện ngày càng nhiều nông dân triệu phú, tỷ phú.
Mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình bác Đàm Văn Long (ấp 7, xã An Phú) huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre là một điển hình thành công trong liên kết giữa Nông dân - Ngân hàng - Nhà khoa học. Trên khu vườn rộng 4 héc-ta, chủ yếu đất đai của ông bà để lại và mua một phần, hiện nay, gia đình bác trồng gần 2.000 cây bưởi da xanh, đem lại giá trị kinh tế rất cao. Bưởi da xanh có chất lượng hàng đầu của gia đình bác được thương lái đến tận vườn thu mua đưa xuất khẩu đi nhiều nước.
Để có vườn bưởi da xanh giá trị này, gia đình bác Long đã trải qua nhiều lần cải tạo vườn, thay đổi giống cây ăn trái liên tục. Mỗi lần thay đổi như vậy rất khó khăn về vốn bởi giai đoạn đầu chuyển đổi phải mất 3-4 năm mới cho trái thành quả, trong khi phải đầu tư cơ sở hạ tầng với chi phí nhất định, do đó rất cần ngân hàng hỗ trợ vốn. Và trong suốt thời gian đó, Agribank đã đồng hành hỗ trợ kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Nhờ có nguồn vốn Agribank cung ứng kịp thời, đầy đủ, gia đình yên tâm từng bước cải tạo vườn, thay đổi giống, mạnh dạn đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục như hệ thống tưới tiêu, hàng rào… Đến nay, gia đình bác Đàm Văn Long có quan hệ vay vốn với Agribank chi nhánh Châu Thành được hơn 20 năm và hiện tại vẫn đang tiếp tục duy trì quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Tại một tỉnh thuần nông như Bến Tre, những mô hình sản xuất giỏi như gia đình bác Đàm Văn Long không phải là hiếm. Với sự đồng hành của các TCTD trên địa bàn, riêng Agribank Bến Tre, đến 31/3/2018, dư nợ của chi nhánh là 11.083,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ hộ sản xuất và cá nhân chiếm đến 10.625,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,9%; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 10.557,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,2% với 87.991 khách hàng.
Chi nhánh quán triệt áp dụng chính sách cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho khách hàng khu vực nông thôn tiếp cận vốn vay, giảm bớt hồ sơ thủ tục vay vốn, chi phí cho khách hàng.
Đồng hành cùng nông dân thời hội nhập, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Agribank Bến Tre đã triển khai mô hình cho vay theo chuỗi liên kết các sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất, nhà cung ứng đầu vào-đầu ra và ngân hàng đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến nay, chi nhánh đã ký hợp đồng tham gia 11 chuỗi liên kết gồm 7 chuỗi thủy sản, 3 chuỗi trái cây, 1 chuỗi nuôi bò…
Chi nhánh chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh ký kết và thực hiện Chương trình Hợp tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nhất là chú trọng cho vay qua tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề truyền thống đối với các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp của tỉnh (theo chương trình hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng đối với các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp năm 2016 UBND tỉnh Bến Tre)…
Nhờ đó, nông dân Bến Tre có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, chí thú làm ăn, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt thu nhập cao. Bên cạnh làm kinh tế giỏi, các nông dân còn góp phần tích cực trong giải quyết việc làm tại địa phương, tham gia tốt các hoạt động xã hội trên địa bàn, góp phần đưa Bến Tre trở thành một trong số địa phương có mô hình trồng cây ăn quả lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn đó những trăn trở
Có vườn bưởi da xanh 2.000 cây đem lại lợi nhuận lớn, nhưng lão nông Đàm Văn Long mong muốn tham gia GAP để mỗi nhà vườn có thương hiệu riêng, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa của nông sản. Đây cũng là mong muốn của nhiều bà con nông dân nơi đây. Tuy nhiên, điều ông Long băn khoăn, trăn trở và chưa thật sự yên tâm tham gia vì quy trình này không hề dễ bởi phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí khắt khe, khó, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các “Nhà”…
Ngoài ra, người nông dân còn nhiều trăn trở về các vấn đề liên quan như thị trường, đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tình trạng dư thừa nông sản, “được mùa mất giá”, đầu ra tiêu thụ sản phẩm, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng…
Với mong muốn đồng hành cùng nông dân bứt phá phát triển bền vững thời hội nhập, Agribank rất chia sẻ và đã có nhiều giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu chỉ mình ngân hàng là không đủ mà cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan. Ngay cả bản thân Agribank cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cần được chia sẻ.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, tuy đang phải cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường bình đẳng với các ngân hàng khác, nhưng Agribank lại gánh trách nhiệm hoạt động trong lĩnh vực có tỷ trọng sinh lời thấp, chi phí cao, một lĩnh vực chịu khá nhiều rủi ro lớn bởi thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh… Chưa kể, mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù rất nỗ lực triển khai hiệu quả Nghị định 55 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp những bất cập nhất định trong việc xác định tài sản thế chấp, bất cập trong cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp nông thôn, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp như nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình ao cá theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Trong khi tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro…
Hiện nay, người nông dân vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của kinh tế hộ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, giá thành cao, không thương hiệu và chưa thoát khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá”. Với phương thức sản xuất hiện nay đã làm cho chi phí vốn tăng cao và hoạt động của ngân hàng trở nên quá tải. Mỗi cán bộ tín dụng Agribank hiện nay đang phải phục vụ từ 500 đến 1.000 hộ nông dân vay vốn và có nơi còn cao hơn.
Để hỗ trợ người nông dân cũng như nâng cao giá trị nông sản, Agribank mong muốn sớm có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia đối với nông sản Việt. Đồng thời phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng để hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cây trồng vật nuôi tạo điều kiện cho người nông dân.
Với 30 năm gắn bó cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mong muốn cùng lực lượng nông dân cả nước “vươn ra biển lớn”, hội nhập thành công trong “sân chơi” toàn cầu, Agribank mong muốn những bất cập của nền nông nghiệp, những trăn trở của người nông dân sớm được tháo gỡ, cùng vì mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển an toàn, bền vững.