Ngành Ngân hàng Nghệ An: Động lực phát triển kinh tế của tỉnh
Ngành Ngân hàng: Không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh | |
Ngành Ngân hàng: Chủ động hóa giải thách thức |
Thời tiết thất thường, mưa bão liên miên đã trở thành chuyện quen thuộc với Nghệ An từ biết bao đời nay, khiến mảnh đất được ví như khúc ruột của cả nước chưa bao giờ thôi khắc nghiệt. Thế nhưng cũng ở nơi “chưa mưa đã ngập lụt, chưa nắng đã khô hạn” này, nền kinh tế đang từng bước chuyển mình nhưng không kém phần mạnh mẽ để chiến thắng thử thách của thiên nhiên, đẩy lùi cái khó, cái nghèo. Ở trong tay những người con xứ Nghệ chịu thương chịu khó, đồng vốn ngân hàng đã trở thành “công cụ” đắc lực để gieo trồng hy vọng vào một tương lai không xa đưa Nghệ An trở thành mũi nhọn kinh tế của khu vực Bắc Trung bộ.
Một góc khu đô thị thành phố Vinh (Nghệ An) |
Nỗ lực để phát triển
Ước mơ này không phải là viển vông. Bởi lẽ Nghệ An hiện là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có đặc thù tự nhiên, địa lý như một nước Việt Nam thu nhỏ. Đặc biệt, khu vực miền Tây Nghệ An rộng lớn có nguồn tài nguyên dồi dào, có nhiều tiềm năng trở thành mũi nhọn kinh tế trong tỉnh và vươn tầm ra bên ngoài. Tuy nhiên, Nghệ An có xuất phát điểm hạn chế, với nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng phần cứng chưa phát triển đồng bộ…
Nhìn nhận rõ về các lợi thế cũng như bất lợi của tỉnh Nghệ An, nên toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn càng tính toán cẩn trọng trong hoạt động rót vốn vào nền kinh tế để mang lại hiệu quả cao nhất. Và thực tế cũng cho thấy đồng vốn ngân hàng đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2016, ngành Ngân hàng Nghệ An có bước tăng trưởng khá, là địa phương có dư nợ đứng thứ 4 và nguồn vốn huy động đứng thứ 9 so với cả nước.
Cũng trong năm qua, mặc dù nền kinh tế trong nước, trong tỉnh phục hồi chậm và sức cạnh tranh còn thấp nhưng với sự nỗ lực cố gắng hết sức mình của toàn thể cán bộ ngành Ngân hàng trên địa bàn, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, lãnh đạo cấp uỷ chính quyền địa phương và sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh, ngành Ngân hàng Nghệ An tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, có bước tăng trưởng khá so với tình hình chung của Ngành trong cả nước, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, góp phần đáng kể vào việc ổn định kinh tế - xã hội và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo đó, các đơn vị đã thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính trong nền kinh tế, mở rộng mạng lưới hoạt động, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân mở tài khoản thanh toán qua Ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng... Nguồn vốn huy động đạt tăng trưởng khá so với đầu năm, đặc biệt là nguồn tiền gửi dân cư. Đến 31/12/2016, nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt hơn 92.500 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng năm trước. Tổng dư nợ của các TCTD, Chi nhánh TCTD trên địa bàn đạt hơn 145.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm.
Bên cạnh việc chú trọng công tác huy động vốn và cho vay nền kinh tế, các hoạt động dịch vụ được các TCTD rất quan tâm và phát triển, đặc biệt là việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc triển khai các dịch vụ Ngân hàng điện tử, lắp đặt thêm và kết nối ATM, POS trên địa bàn. Hiện có trên 1.740 đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh thực hiện trả lương qua tài khoản, trong đó có trên 1.335 đơn vị hưởng lương từ NSNN thực hiện trả lương qua tài khoản, chiếm hơn 44% đơn vị hưởng lương ngân sách trên toàn địa bàn. Hầu hết các đơn vị hưởng lương NSNN tại địa bàn thành phố Vinh và trung tâm một số huyện, thị đã thực hiện trả lương qua tài khoản.
Trong năm, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã phối hợp tích cực với cơ quan thuế, hải quan, kho bạc để triển khai các dịch vụ thuế, phí và lệ phí theo phương thức điện tử tạo thêm kênh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, hỗ trợ các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc tiết kiệm chi phí, nhân lực, tăng cường hiệu quả trong quản lý, xử lý thông tin, góp phần tích cực thực hiện cải cách và hiện đại hoá công tác quản lý.
Với các hoạt động đầu tư vốn, hoạt động dịch vụ được thực hiện hiệu quả như vậy, trong năm 2016, kết quả kinh doanh của các TCTD trên địa bàn đạt gần 1.000 tỷ đồng, rất khả quan trong bối cảnh kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục. Đặc biệt toàn địa bàn có 92% đơn vị, TCTD làm ăn có lãi.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An đánh giá, hoạt động của hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang đi đúng hướng, thực hiện được mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm tài chính khu vực Bắc Trung bộ vào năm 2020. Đã hình thành mạng lưới đa dạng và rộng khắp, phát triển an toàn, lành mạnh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng, tốc độ huy động vốn luôn được duy trì ở mức cao hơn tốc độ bình quân chung của cả nước.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng ghi nhận, song song với quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã có nhiều hoạt động tích cực chia sẻ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, góp phần đáng kể vào hỗ trợ phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả đó, Chi nhánh NHNN được UBND tỉnh xếp loại là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều TCTD, Chi nhánh TCTD được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có vị trí, thứ hạng cao trong hệ thống.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An trao quà cho các hộ nghèo tại xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu |
Hành trang để bước tiếp
Với hành trang được chuẩn bị trong năm 2016, ngành Ngân hàng Nghệ An đã có thể vững bước vào năm 2017 với nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế mạnh mẽ và bứt phá hơn nữa. Bởi năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Nghệ An cao hơn tốc độ tăng trưởng của những năm gần đây và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước.
Sản xuất công nghiệp – xây dựng có chiều hướng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng chậm. Một số nhà máy chính thức đi vào hoạt động, trong đó Nhà máy Hoa Sen Nghệ An tại Khu công nghiệp Đông Hồi, Nhà máy Sơn Hà Nghệ An, Nhà máy thức ăn gia súc Cargill, Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai, Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An... tạo ra năng lực mới thúc đẩy cho sự tăng trưởng kinh tế trong tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu chia sẻ một tín hiệu vui. Đó là tín dụng trung dài hạn đang có xu hướng tăng nhanh từ năm 2014 đến nay, đặc biệt ở khối các NHTM, Ngân hàng Hợp tác và Quỹ tín dụng nhân dân, phản ánh triển vọng tích cực và ổn định của nền kinh tế. Điều này cho thấy các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đã tăng cường vay vốn đầu tư vào máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trước bối cảnh chung tích cực, ngành Ngân hàng Nghệ An xác định phương hướng nhiệm vụ trong năm 2017 cần triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN và UBND tỉnh, nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai các loại hình dịch vụ nhằm khai thác được các tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa phương; phấn đấu đạt mức tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ khoảng 15-20%, nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.
Các đơn vị, TCTD trên địa bàn tăng cường huy động vốn và mở rộng đầu tư tín dụng một cách an toàn, hiệu quả và bền vững; cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Nguồn vốn ngân hàng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực chủ đạo và ưu tiên. Cụ thể là cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; cho vay xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; các dự án trọng điểm của tỉnh; cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng quy định của pháp luật...
Song song với đó là tiếp tục thực hiện các giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, cắt giảm thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong quá trình cạnh tranh, hội nhập, cũng như phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng Bắc Trung bộ.