e-KYC: Cơ sở để phát triển ngân hàng số
3 thách thức với ngân hàng số | |
Ngân hàng chạy đua đầu tư ngân hàng số |
Chính phủ cần chủ trì việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và có chính sách để chia sẻ phù hợp |
Mô hình kinh doanh truyền thống lâu nay vốn đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục đang dần chuyển sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Trong đó, việc nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC) ngày càng đóng vai trò quan trọng, là dịch vụ nền tảng thiết yếu cho việc phát triển mô hình ngân hàng số.
Hiểu đơn giản, thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, đối chiếu giấy tờ tuỳ thân, e-KYC sẽ định danh khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên công nghệ như xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua AI, đối chiếu thông tin cá nhân được liên thông với cơ sở dữ liệu tập trung định danh khách hàng...
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank chia sẻ, nhiều ngân hàng trên thế giới đã có thể thực hiện định danh khách hàng qua nền tảng số như smartphones, máy tính bảng, máy ATM+ với chức năng gọi video trực tiếp. Nhờ đó, ngân hàng có thể thiết lập quan hệ với khách hàng tại những khu vực xa trung tâm một cách nhanh chóng, giảm thiểu tối đa thủ tục, quy trình mà khách hàng phải hoàn tất. Về dài hạn, những giải pháp công nghệ trong định danh khách hàng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược Tài chính toàn diện.
Thực tế, nhiều quốc gia đã sớm nhận thức được điều này và có sự thay đổi để thích ứng với xu hướng của thời đại mà công nghệ dẫn dắt. Điển hình như Ấn Độ, chính phủ quốc gia này đã thúc đẩy tài chính toàn diện theo hướng số hoá với Cơ sở dữ liệu quốc gia mã định danh công dân duy nhất (Đề án Aadhaar) trong đó có cơ chế xác thực khách hàng điện tử e-KYC, chia sẻ dữ liệu dân cư cho phép ngân hàng mở tài khoản cho người dân chưa tiếp cận dịch vụ tài chính không đòi hỏi giấy tờ, thủ tục phiền hà, cho phép đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ xác thực, chấp nhận thanh toán điện tử từ khách hàng dựa trên thông tin sinh trắc học như vân tay, mống mắt hay mã xác thực OTP qua tin nhắn SMS.
Hay như tháng 5/2018, Hiệp hội Ngân hàng Canada đã công bố sách trắng “Tương lai danh tính số của Canada - Cách tiếp cận liên kết” trong đó đề xuất xây dựng một Khung danh tính số liên hiệp của quốc gia này. Hiệp hội Ngân hàng Canada đang hợp tác để xây dựng một hệ thống danh tính số sử dụng công nghệ như blockchain và sinh trắc học để cho phép quy trình xác minh danh tính video trực tuyến.
Năm 2016, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua Chỉ thị dịch vụ thanh toán (PSD2) cho phép bên thứ ba thu thập thông tin nhận dạng của khách hàng tại ngân hàng thông qua kết nối giao diện lập trình ứng dụng mở (open API) với sự chấp thuận của khách hàng đó. Các ngân hàng có thể chia sẻ thông tin khách hàng nhằm mục đích định danh một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tại Đức, Cơ quan Giám sát tài chính liên bang đã cho phép sử dụng hình thức xác thực khách hàng bằng video call từ năm 2014, và Hàn Quốc cũng đã triển khai phương thức này từ năm 2015...
Trong một chia sẻ gần đây, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) đã nhấn mạnh lại một lần nữa rằng không thể nói tới ngân hàng số tại Việt Nam nếu không thực hiện được e-KYC.
Hiện nay, các nhà băng tại Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó có việc phát triển e-KYC. Đơn cử như LiveBank của TPBank, khách hàng mở tài khoản chỉ cần lấy vân tay với công nghệ sinh trắc học Biometrics; kết hợp với công nghệ OCR tự động chuyển hình ảnh từ bản scan thành chữ trên các đơn đăng ký, giảm hẳn thời gian giao dịch tại quầy.
ACB, Eximbank, VietinBank… cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc học nhằm tăng cường hơn nữa an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng, thanh toán qua xác thực giao dịch bằng vân tay. MSB cũng đã đưa vào ứng dụng phương thức xác thực bằng sinh trắc học với công nghệ sử dụng nhận diện vân tay hoặc khuôn mặt để đăng nhập hoặc xác thực các giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking...
Trong thời gian tới, một trong những ưu tiên của NHNN là xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền để cho phép thực hiện nhận biết khách hàng theo phương thức điện tử (e-KYC).
Tuy vậy, nỗ lực chỉ từ phía ngân hàng sẽ chỉ như muối bỏ bể. Theo chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực, để việc định danh khách hàng được đồng bộ và hiệu quả nhất, Chính phủ cần chủ trì việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia dân cư để có thể xác thực khách hàng, hỗ trợ cho các giải pháp thanh toán, trong đó có thanh toán di động.
Cùng với đó là có chính sách cho phép cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư có thể được chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm… để hỗ trợ phát triển dịch vụ ngân hàng số, tài chính số, thúc đẩy phổ cập tài chính cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thực tế, có quốc gia đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung về sinh trắc học của phần lớn dân số và cung cấp API để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khai thác thông tin này, nhằm xác thực khách hàng trong các giao dịch. Giải pháp này góp phần tiết kiệm chi phí rất lớn cho các nhà băng trong việc phát triển khách hàng và triển khai các giải pháp thanh toán.