FDI 30 năm nhìn lại: Chuyện từ người trong cuộc
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng chủ trì Hội nghị tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam | |
Chưa thoát cảnh gia công | |
Sau những con số tăng trưởng vốn FDI |
Tính từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đến nay, Việt Nam đã thu hút được 26.646 dự án FDI với số vốn đăng ký trên 334 tỷ USD. Nhưng, chắc ít ai biết câu chuyện thu hút đầu tư ở giai đoạn đầu rất nhiều gian truân, không dễ dàng để kéo hàng chục tỷ USD vốn góp từ nước ngoài mỗi năm như hiện nay.
Từ “dò đá qua sông”
Việt Nam mở cửa thu hút vốn FDI trong bối cảnh kinh tế trong nước rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phác họa, giai đoạn 1988 - 1994, Việt Nam đang bị bao vây cấm vận. Nền kinh tế trong nước lâm vào khủng khoảng: sản xuất đình đốn, lạm phát phi mã 3 con số. Với 90% dân số làm nông nghiệp, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1986-1990 chỉ đạt 4,4% và các loại lương thực, hàng hóa đều thiếu thốn.
Ở thời điểm đó, thu hút vốn FDI được kỳ vọng rất lớn để không chỉ là “nhờ vốn” từ bên ngoài mà còn mang công nghệ, quản trị vào Việt Nam, tạo ra những thay đổi cơ bản cho nền sản xuất.
“Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác. Chỉ học hỏi cái hay, nên Luật của Việt Nam hấp dẫn...”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (SCCI) chia sẻ trên BNews.
Khi đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn Việt Nam thì ngay lập tức mở cửa, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. “Luật chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, mà không giới hạn tối đa”, ông Nguyễn Mại nói
Tuy nhiên, 3 năm đầu thực hiện Luật, cả nước chỉ thu hút được chưa đến 1 tỷ USD vốn thực hiện. “Khó khăn lớn nhất trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thời điểm đó là do chúng ta chưa hiểu nhiều về đầu tư nước ngoài, kể cả lãnh đạo SCCI cho đến các ban quản lý khu công nghiệp, lãnh đạo các sở, UBND tỉnh”, GS. Nguyễn Mại cho biết.
Per Anders Dalin, nguyên Tổng giám đốc Schmidt Việt Nam là một trong những người biết khá rõ bối cảnh lúc ấy. Chàng thanh niên tình nguyện theo chương trình viện trợ của Thụy Điển, tham gia xây dựng Bệnh viện Nhi, đã phát triển dự án xây dựng khu trung tâm công nghệ ở Cầu Giấy - Shchmidt, nhưng gặp không ít thách thức.
Năm 1992, với dự án đầu tư 100 triệu USD, Shchmidt định hướng xây dựng một khu công nghệ sáng tạo. Nơi đây sẽ là nơi trang bị đầy đủ các thiết bị nghiên cứu, thử nghiệm, nơi để các ý tưởng sáng tạo có điều kiện tiếp tục nghiên cứu và phát triển. Đây cũng sẽ trung tâm nghiên cứu cho các doanh nghiệp.
Nhưng rất đáng tiếc, dự án của Shchmidt đã không được chấp thuận toàn bộ. Schmidt chỉ có thể xây được tòa nhà HITC - tòa nhà văn phòng cao cấp đầu tiên tại Hà Nội. Còn các doanh nghiệp Việt Nam đến tận lúc này vẫn đang rất thiếu điều kiện để nghiên cứu, để phát triển ý tưởng sáng tạo…
“Cái khó là chúng ta không đủ năng lực lựa chọn, thẩm định, đánh giá dự án đầu tư…”, ông Mại chia sẻ. “Thời điểm ban đầu, chúng ta còn yêu cầu nhà đầu tư báo cáo về tỉ suất lợi nhuận, vốn đầu tư để cơ quan chức năng Việt Nam thẩm định, nhưng sau này, chúng ta sớm bỏ các quy định như trên bởi không phù hợp thông lệ quốc tế và khu vực”.
Thực tế, việc “dò đá qua sông” đối với thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã có được nhiều tiến bộ, tạo nên thay đổi nhanh trong cho nền kinh tế Việt Nam. Bước sang giai đoạn 1995 - 2010, mục tiêu thu hút FDI là hướng vào xuất khẩu hàng hóa, tăng thu ngoại tệ, tạo việc làm, nâng cao năng lực quản lý, đóng góp ngân sách…
Ở giai đoạn này, dòng vốn Nhật Bản đặc biệt “gây ấn tượng”. Hàng loạt tên tuổi lớn của công nghiệp Nhật đầu tư sang Việt Nam, từ việc Toyota, Honda… rót vốn, những nhà cung cấp của các hãng này cũng kéo đến, sản xuất từ hệ thống dây điện cho đến phanh xe, nệm ghế… Bước đầu hình thành một số khu vực tập trung FDI.
Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử hiện nay tại Việt Nam. |
Dấu ấn 30 năm và “mặt trái tấm huy chương”
Từ 2011, nền kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện. Đầu tư, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 6-7%/năm.
“Phải khẳng định rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đi tiên phong trong việc đánh thức và khai thác các tiềm năng và cơ hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Tuy nhiên, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng bắt đầu đặt ra vấn đề cho nền sản xuất. Liên tục mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) tính đến nay. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thông qua và 5 Hiệp định đang trong quá trình đàm phán.
Với nền tảng đó, khu vực FDI cũng liên tục phát triển. Hiện nay, đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP; tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp.
Vào năm ngoái, đầu tư nước ngoài tạo ra khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp; chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách.
GS. Mại so sánh, thời điểm bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 200 USD/người/năm, còn nay đã đạt gần 2.500 USD/người/năm.
Khu vực FDI cũng tạo ra sự dịch chuyển các ngành nghề trong xã hội, góp phần hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng bao gồm công nhân lành nghề, kỹ sư công nghiệp, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam; thúc đẩy quá trình chuyển từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ hiện đại và thu nhập cao.
Hiện nay, đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP; tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp. Vào năm ngoái, đầu tư nước ngoài tạo ra khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp; chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách. |
Tuy nhiên, “mặt trái tấm huy chương” cũng để lại nhiều suy ngẫm.
“Việt Nam đứng trước một nghịch lý là một mặt thu hút được dòng vốn FDI kỷ lục và vượt qua các quốc gia khác ở ASEAN (năm 2017), mặt khác các bên liên quan lại có quan điểm chung rằng FDI chưa đáp ứng được kỳ vọng…”, Dự thảo Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2030 phát hành tháng 3 năm nay đặt vấn đề.
Bộ trưởng Dũng phân tích cụ thể, đó là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI còn khiêm tốn; thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường; hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao...
Nhiều con số chỉ ra rằng, đóng góp vào GDP lớn nhưng nộp ngân sách của khu vực FDI thấp hơn mức kỳ vọng, có thể tạo ra bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Tỷ lệ tạo việc làm trên quy mô doanh nghiệp thấp nhưng hàm lượng công nghệ cao rất thấp. Một số chuyên gia chỉ rõ, phần lớn các dự án vẫn là những dự án công nghệ lạc hạu, số dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại chỉ chiếm 5-6%. Điểm lại, đã có những dự án gây hệ quả nghiêm trọng tới môi trường. Cũng bởi một thời kỳ nóng lòng muốn thu hút càng nhiều FDI càng tốt.
Về tác động lan toả từ khu vực FDI sang các doanh nghiệp nội, ông Mại bình luận thêm: “Chừng nào ta còn để cho khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp nhiều thì vẫn chưa đúng với định hướng phát triển của chúng ta. Phải xác định doanh nghiệp tư nhân trong nước là nội lực phát triển chính”.
Dự án ô nhiễm môi trường có thể gây thiệt hại rất lớn đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. |
Đến “chọn mặt gửi vàng”
Cùng với chủ trương mở cửa khiến nền kinh tế năng động trở lại, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, trước thách thức của chủ nghĩa bảo hộ, dự báo tác động rất lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo… thì thu hút FDI cũng đứng trước thách thức phải thay đổi.
Theo đó, điểm nhấn chính của “Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới” là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho ‘sản phẩm’ của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI...
“Đầu tư nước ngoài phải đi vào thực chất, tạo liên kết, lan tỏa, thúc đẩy các vùng miền…”, ông Dũng nói.
FDI cũng phải tạo sự kết nối hơn, tạo động lực, thúc đẩy các khu vực khác của nền kinh tế phát triển, chia sẻ hài hòa các lợi ích hơn; tham gia vào tăng trưởng, bảo vệ môi trường tốt hơn, hướng vào nền kinh tế phát triển xanh và bền vững; tạo việc làm và thu nhập cao hơn cho người lao động, nâng cao trình độ nguồn nhân lực; đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Với quan điểm đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khái quát rằng: thu hút FDI thời kỳ mới phải bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; sử dụng nguồn vốn FDI phải gắn với phát triển bền vững. Khai thác tối đa những lợi thế từ FDI, nhưng phải bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp, giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, bảo đảm môi trường.
Đồng thời, thu hút FDI, nhưng phải có chính sách chủ động phát triển doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để có thể liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, cùng phát triển.
Thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI gắn chặt với việc phải bảo đảm sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực quốc gia theo nguyên tắc tiếp cận và phân bổ các nguồn lực quốc gia phải công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và trên cơ sở hiệu quả sử dụng các nguồn lực quốc gia.
Bên cạnh đó, cần chú trong việc tăng cường khâu thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống; gắn chặt trách nhiệm thực thi công vụ ở tất cả các ngành, các cấp; đồng thời nâng cao năng lực khâu kiểm tra, giám sát (cả đối với cơ quan nhà nước, cũng như doanh nghiệp FDI); chống đầu tư chui, chuyển giá, vi phạm pháp luật về môi trường…
Giờ thì Per Anders Dalin đã nghỉ hưu và rời khỏi Shcmidt, nhưng ông vẫn giữ vai trò là người tư vấn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Chia sẻ về quan điểm thu hút FDI giai đoạn mới, ông nói: “Cái gì cũng có tính hai mặt của nó và gắn với từng giai đoạn lịch sử”. “Quản lý nhà nước luôn phải chặt chẽ để theo kịp và ngăn chặn mặt trái nảy sinh”.