FDI làm chậm nâng cao chất lượng nhân lực
Tăng tốc cho nhân lực | |
Hóa giải thách thức nhân lực cho cách mạng 4.0 | |
Thúc đẩy công tác dạy nghề |
Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, trong giai đoạn 2008-2017, lao động khu vực FDI tăng với tốc độ bình quân 12%/năm, cao gấp hơn 5 lần mức tăng việc làm chung của cả nước. Tính đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 14.000 DN FDI thu hút 4,5 triệu lao động (chiếm 31,1% lao động của toàn bộ khu vực DN), là khu vực có tốc độ thu hút lao động tăng nhanh nhất trong ba khu vực.
Ảnh minh họa |
Khu vực FDI đã góp phần hình thành đội ngũ lao động có chất lượng cao hơn bao gồm công nhân lành nghề, kỹ sư công nghệ, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị DN. Năm 2017, khu vực này đào tạo và sử dụng hơn 2,3 triệu công nhân kỹ thuật trong lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị và 680.000 thợ kỹ thuật khác; gần 340.000 nhân viên văn phòng, bảo vệ và bán hàng có kỹ thuật; 295.000 lao động làm các nghề chuyên môn kỹ thuật bậc cao; và 112.000 lao động làm các nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung.
Giai đoạn 2007-2017, nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật trong khu vực FDI có xu hướng chuyển mạnh sang nhóm nghề “thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị” với tỷ lệ tăng nhanh từ 14,76% năm 2007 lên 57,87% năm 2017. Trong khi đó, nhóm nghề bậc thấp hơn là “thủ công có kỹ thuật/thợ kỹ thuật khác” đã giảm mạnh từ 48,44% năm 2007 xuống còn 17% năm 2017. Đặc biệt lao động giản đơn trong các DN FDI chiếm một tỷ lệ nhỏ và có xu hướng giảm nhanh từ 11,84% năm 2007 xuống còn 6,3% năm 2017. Các xu hướng này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển từ lao động giản đơn, thu nhập thấp sang lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và thu nhập cao.
Bên cạnh đó, khu vực DN này còn tạo ra nhiều việc làm khác một cách gián tiếp do kích thích đầu tư trong nước, từ đó phát triển các DN vệ tinh, các ngành nghề cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho DN.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng vẫn còn một số vấn đề tồn tại đối với thị trường lao động do tác động của khu vực FDI. Đến cuối năm 2017, gần 80% số người làm việc trong các DN FDI là lao động không có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo. Tỷ lệ này gần như không thay đổi từ năm 2011. Trong một thời gian dài, các NĐT nước ngoài vẫn ưu tiên thực hiện các hoạt động gia công để khai thác lợi thế lao động giá rẻ của nước ta. Thực tế này đã góp phần làm chậm quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.
“Một khi các DN ưu tiên tuyển dụng lao động trình độ thấp thì điều này không khuyến khích người lao động quan tâm học tập nâng cao trình độ và các cơ sở giáo dục đào tạo không chịu sức ép của thị trường để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Quân chỉ ra thực tế.
Một vấn đề khác là sau 30 năm thu hút FDI, khu vực này ngày càng mở rộng và lớn mạnh, song xu hướng dịch chuyển lao động vẫn chủ yếu một chiều từ khu vực trong nước sang khu vực FDI. Như vậy, tác động lan toả của chất lượng nguồn nhân lực, phong cách, lề lối làm việc, tác phong công nghiệp, văn hoá DN, trình độ kỹ năng chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý, các bí quyết công nghệ, các quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý nguồn nhân lực từ khu vực FDI sang khu vực dân doanh và khu vực Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, khu vực FDI chưa thực sự có đóng góp tích cực cho công cuộc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH khuyến nghị, trong giai đoạn tới cần có chiến lược để tối đa hoá lợi ích từ nguồn vốn FDI, đặc biệt là gắn kết vấn đề chuyển giao công nghệ với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Để thực hiện điều đó thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần đi trước một bước và phải được thực hiện bài bản, coi đào tạo nhân lực là mục tiêu quan trọng trong thu hút FDI.