Hóa giải thách thức nhân lực cho cách mạng 4.0
Cơ hội và thách thức đối với ngân hàng bán lẻ trên con tàu cách mạng 4.0 | |
Thị trường lao động không ngại cách mạng 4.0 |
Tại một số hội thảo gần đây về vấn đề này, rất nhiều DN phàn nàn việc đang gặp khó trong khâu tuyển dụng hoặc lao động được tuyển vào không đáp ứng được yêu cầu công việc mà phải qua đào tạo, tập huấn tại DN. Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, điểm nghẽn của nhân sự Việt Nam hiện nay là đào tạo đang cao hơn sản xuất, kỹ sư, cử nhân trình độ cao khó có việc làm; trong khi lao động phổ thông cũng không đáp ứng được yêu cầu.
Các trường đại học phải dạy sinh viên khả năng tích hợp được nhiều kiến thức |
Trong khi theo giám đốc một DN khởi nghiệp, một trong những đặc thù của cách mạng 4.0 là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Lẽ ra, các trường đại học phải dạy sinh viên khả năng tích hợp được nhiều kiến thức bằng phương pháp STEM, tức trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học thì trong 350 trường đại học ở Việt Nam, chỉ có 12 trường có được nhóm giảng viên được trang bị kiến thức giảng dạy bằng phương pháp STEM.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, đào tạo tại Việt Nam trước đây thiên về hàn lâm, đi vào chuyên sâu nhưng càng chuyên sâu càng khó thích nghi, chuyển đổi và tích hợp nên giờ cần phải xem xét lại. “Xu hướng tạo ra các ngành mới rất nhanh và triệt tiêu các ngành hiện tại cũng nhanh không kém đã đặt ra quan điểm về đào tạo mới: liên tục, mở và mang tính khai phóng. Xu hướng này yêu cầu đào tạo giảng viên trong trường đại học, phương pháp giảng dạy… phải thay đổi. Sinh viên cũng cần thay đổi nhiều về năng lực tư duy số, năng lực giải quyết vấn đề hội nhập quốc tế cũng như thích ứng với thay đổi của công nghệ mới”, một chuyên gia cho hay.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực đón nhận làn sóng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN này với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có đội ngũ 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.
Trên giác độ của một trường đại học hàng đầu về đào tạo công nghệ, PGS. Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực và cơ cấu năng lực của người tốt nghiệp. Một số ngành công nghiệp truyền thống sẽ cần ít nhân lực hơn và những ngành công nghiệp mới nổi cần nhiều nhân lực hơn.
Chính vì vậy, với mong muốn thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong kỷ nguyên CMCN 4.0, những năm qua, trường đã thay đổi chiến lược đào tạo theo hướng cải tiến xây dựng chuẩn đầu ra các môn học, nhằm cung cấp cho người học những năng lực cốt lõi trong quá trình làm việc sau khi tốt nghiệp, đồng thời tăng cường giảng dạy giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực sẵn sàng để hội nhập.
Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn công nghiệp cũng như các đối tác lớn tại Việt Nam để sinh viên có thể hiểu biết và trang bị những kỹ năng thực tế từ quá trình làm việc với DN. Đơn cử như mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn SAP (Hãng phát triển hàng đầu về các phần mềm ứng dụng trong DN) đã hợp tác xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực và chuẩn bị cho sinh viên gia nhập thị trường việc làm công nghệ thông tin.
Hợp tác chiến lược này sẽ phát huy công nghệ và cách tiếp cận chuyển dịch số bền vững của SAP, nhằm xây dựng một nền tảng công nghệ vững chắc trong những lĩnh vực đào tạo của nhà trường. Sinh viên của trường có cơ hội tiếp cận những công nghệ mới của CMCN 4.0 như Internet vạn vật (IoT) và học máy (Machine Learning), đồng thời cung cấp những kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề với phương pháp tư duy thiết kế...
Ông Scott Russell, Chủ tịch SAP khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, các trường đại học cũng cần tự chuyển dịch số hóa để thấy được sự thay đổi về nhận thức, thay đổi về kỳ vọng của sinh viên đối với nhà trường. Cùng với đó, các trường đại học cần cung cấp không chỉ là đội ngũ giảng viên giỏi, lớp học cũng như những giáo trình hiện đại nhất.
“Bản thân các trường đại học cũng cần chuyển đổi và thay đổi cách họ tương tác với sinh viên. Họ cần phải đánh giá năng lực, dự báo kết quả, cũng như tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên dựa trên việc phân tích những thông tin/số liệu thu thập được. Cùng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, SAP cam kết giúp Việt Nam xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ cao, giỏi chuyên môn và sẵn sàng cho kỷ nguyên công nghệ 4.0”, ông Scott Russell cho biết.