FDI - một năm thành công ấn tượng
Thu hút, giải ngân vốn FDI tăng mạnh so với năm 2016 | |
Hội nhập quốc tế về kinh tế: Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng | |
Thắt lại sợi dây liên kết FDI |
Năm 2017 chuẩn bị khép lại với nhiều kỷ lục tạo nên đà tăng trưởng bứt tốc của nền kinh tế, trong đó mang đậm dấu ấn của khu vực FDI. Trước hết, đó là vốn nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong khi vốn giải ngân cũng đạt mức cao nhất kể từ trước tới nay. Dấu ấn gián tiếp hơn, là tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cao nhất trong 7 năm gần đây, cùng với đó là tăng trưởng xuất nhập khẩu bứt phá mạnh mẽ với tốc độ hơn 20%, vượt xa mục tiêu đã đề ra.
FDI giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng công nghiệp |
Sức bật của năm 2017
Đối với riêng GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, kỷ lục khiến ông ấn tượng nhất chính là lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 400 tỷ USD. Nhờ đó mà thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 trong năm 2016; nhập khẩu cũng tăng trong khoảng thời gian tương ứng từ vị trí thứ 41 lên vị trí 25 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017. “Tất cả những thành tích đó chúng ta không thể đạt được nếu không có sự tham gia của khối FDI”, ông Mại quả quyết.
Dưới lăng kính của cơ quan thống kê, đóng góp tích cực của khu vực FDI cho nền kinh tế còn hiện lên rõ hơn. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, nếu như ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong năm qua là điểm sáng của tăng trưởng, thì sự đóng góp của FDI vào lĩnh vực này là chủ đạo. Trong đó nổi bật lên là 2 tập đoàn lớn: Samsung và Formosa.
Đối với Samsung, ước tính năm 2017 NĐT này tạo ra 1,21 triệu tỷ đồng giá trị sản xuất, tăng 31% so với năm 2016 và xuất khẩu các sản phẩm năm 2017 tăng đột biến so với những năm trước. Từ giá trị sản xuất của Samsung, cơ quan thống kê tính toán, NĐT Hàn Quốc này đã đóng góp 5,43 điểm % vào mức tăng trưởng 14,4% của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và đóng góp 3,88 điểm % vào mức tăng 7,85% của toàn ngành công nghiệp nói chung trong năm 2017.
Formosa là tập đoàn mới đi vào sản xuất kinh doanh năm 2016 nhưng năm vừa qua cũng đã có mức tăng trưởng đột biến. Theo đó, tập đoàn này có thể tạo ra khoảng 14,8 nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất trong năm 2017, tăng 332,2% so với năm 2016, đóng góp 0,19 điểm % vào mức tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và 0,14 điểm % vào toàn ngành công nghiệp. Như vậy chỉ riêng 2 NĐT này, trong năm vừa qua đã đóng góp khoảng gần 40% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và hơn 50% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp nói chung.
Ông Thuý cung cấp thêm một vài con số tổng quan hơn cho thấy hiện nay khu vực FDI đang đóng góp khá lớn vào nền kinh tế. Năm 2017 dự kiến khu vực này thu hút gần 5 triệu lao động trong tổng số xấp xỉ 15 triệu lao động, chiếm gần 30% tổng số lao động của toàn bộ khu vực DN. Vốn sản xuất kinh doanh của FDI chiếm khoảng 16,2%, giá trị sản xuất theo giá cơ bản chiếm khoảng 35,2% và riêng giá trị tăng thêm khoảng 27,2% của toàn bộ khu vực DN.
Chất lượng dòng vốn ngày một cao
Dấu ấn của FDI còn thể hiện ở dòng chảy vốn quay trở lại Việt Nam mạnh mẽ sau thời gian ngắn trầm lắng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐT nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, nếu chỉ xét riêng về vốn đầu tư trực tiếp và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, nhiều kỷ lục đã được xác lập. Cụ thể, phần vốn đăng ký thông qua hình thức đầu tư trực tiếp là trên 29,68 tỷ USD; còn vốn đầu tư gián tiếp, thông qua các giao dịch góp vốn, mua cổ phần mà không thông qua sàn chứng khoán, là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, năm 2017 còn chứng kiến sự quay trở lại của 5 dự án tỷ đô, góp phần quan trọng đẩy vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục. Đó là 3 dự án điện BOT, bao gồm Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa; và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thái Bình. Ngoài ra, còn có Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt nhấn mạnh hơn cả vào kỷ lục vốn FDI giải ngân trong năm 2017. “Vốn giải ngân đã đạt 17,5 tỷ USD, mức cao nhất kể từ trước tới nay”, ông Hoàng hồ hởi cho biết. Cần lưu ý rằng, trong 30 năm thu hút FDI vừa qua, đây là cần đầu tiên vốn FDI giải ngân cán mốc cao như vậy. Trong 10 năm qua, vốn FDI thực hiện chỉ xoay quanh ngưỡng 11-12 tỷ USD, khiến nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Đó là chưa kể khoản vốn giải ngân theo phương thức góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài trong năm nay có thể lên tới 3 tỷ USD. Như vậy, ước tính chỉ riêng năm 2017 đã có trên 20 tỷ USD vốn nước ngoài được đưa vào nền kinh tế, tiếp tục kéo gần khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện. Những chuyển động tích cực này cho thấy chất lượng của dòng vốn FDI đang ngày càng được nâng cao, nhanh chóng đi vào nền kinh tế và mang lại những giá trị thực cho tăng trưởng, thay vì chỉ là những con số thống kê ảo.