Hội nhập quốc tế về kinh tế: Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng
Việt Nam tự cường trong hội nhập | |
Thay đổi để hội nhập | |
Hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ, tránh tụt hậu |
Ngày 20/12, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập Quốc tế về kinh tế đã tổ chức Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 – Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”. Các ý kiến đều cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tiêu chí lấy lợi ích quốc gia là tối thượng; phát huy nội lực, coi nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng…
Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD |
Hội nhập để phát triển
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Chính phủ sẽ phát huy vai trò “Chính phủ kiến tạo phát triển”, từng bước hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư quốc tế. Xóa bỏ các giấy phép con, rào cản, cắt giảm thủ tục… giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng cũng đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành kinh tế cần phát huy và tăng cường hơn nữa kết nối, điều phối các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA; đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết, thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với 58 đối tác. Sau 10 năm thực hiện cam kết WTO và các FTA, xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, bình quân ước đạt 16,6%/năm.
Dù thấp hơn giai đoạn 2000-2006 (19,4%) song, theo ông Trần Tuấn Anh, mức tăng này vẫn ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong 11 tháng, tăng trưởng xuất khẩu tăng tới 21,5%, kim ngạch đã bằng 4 lần so với năm 2007. Nhập khẩu cùng giai đoạn tốc độ trung bình đạt 15,1%/năm, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (21,1%). Tỷ lệ nhập siêu so với GDP giảm liên tục từ 20% các năm 2007-2008 xuống còn 8,2% năm 2011, sau đó chuyển sang thặng dư 0,1-1,2% GDP 2012-2017.
Cùng với xu hướng mở rộng thương mại hàng hóa, nền kinh tế Việt Nam cũng đạt độ mở ngày càng lớn. Năm 2016, độ mở thương mại 171%, cao hơn so với mức trước khủng hoảng tài chính thế giới (157,4% năm 2008). Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính từ năm 2007 đến tháng 11/2017, cả nước có hơn 18.000 dự án được cấp phép mới, cao hơn gấp 2,2 lần số dự án trong cả giai đoạn 1988-2006. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm giai đoạn 2007-2017 đạt 296,4 tỷ USD, cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn trước khi gia nhập WTO.
Nội lực mới là quyết định
Nhận định về kết quả này, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cho biết, FDI năm 2017 có thể tăng 5% so với 2016. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là khối này đã và sẽ đóng góp gì cho Việt Nam khi khảo sát một số doanh nghiệp FDI thì thấy trong chuỗi giá trị của Intel, hay mạng lưới của Samsung, thì doanh nghiệp Việt Nam cơ bản không trở thành nhà cung ứng. Chẳng hạn, khảo sát ở Samsung, họ có 6 nhà cung ứng cấp 2 thì đều là doanh nghiệp Hàn Quốc; đến dịch vụ chất thải, suất ăn công nghiệp cũng do doanh nghiệp Hàn Quốc đảm nhận. Giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ được vài phần trăm trong giá trị của Intel, Samsung.
Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, hội nhập là quan trọng, song phương thức hội nhập còn quan trọng hơn. Trong đó, đối sách của Việt Nam phải tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc với tầm nhìn dài hạn; tìm mọi cách gia nhập mạng lưới cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia; tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Nếu hội nhập để trở thành trung gian, trở thành điểm tựa cho FDI đến lợi dụng nhân công rẻ, điện rẻ, môi trường rẻ để sản xuất và xuất khẩu đi thì hội nhập như thế chưa thành công”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói và khuyến cáo: “Ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực là then chốt khi xu hướng bảo hộ đang diễn ra trên thế giới. Chính phủ cần bảo vệ thị trường trong nước, không thể mở toang thế này để doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh”.
Cũng từ quan điểm nội lực quan trọng hơn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nền kinh tế nước ta nếu không có FDI thì rất tệ nhưng nếu tiếp tục như thế này thì không phải không có vấn đề.
“Nền kinh tế Việt Nam rất mở, xuất nhập khẩu tăng trưởng rất cao nhưng dường như DN FDI tận dụng cơ hội tốt hơn từ hội nhập, còn DN Việt Nam thì chưa. Điều này thể hiện rất rõ khi xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu từ khu vực FDI. Thặng dư thương mại nghiêng về khu vực FDI, còn thâm hụt thương mại lại là ở phía DN nội địa”, ông Cung dẫn chứng.
Ở góc nhìn của mình, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, Việt Nam cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo nghị quyết của Đảng. Tiêu chí cơ bản cho việc lựa chọn là lấy lợi ích quốc gia là tối thượng; chủ động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy nội lực, coi nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, phải làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên… Và vào thời điểm thích hợp có thể đặt vấn đề đám phán FTA song phương với Hoa Kỳ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tích cực hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các FTA, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, đồng thời phát huy vai trò tại các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực. Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức từ việc thực thi các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết ngày càng cao. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự bùng nổ của các công nghệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số... chắc chắn sẽ đem lại những cơ hội và thách thức mới đối với các quốc gia trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam.
“Thực tế trong quá trình triển khai hội nhập, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn thể hiện một số bất cập đã phần nào giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy các đơn vị này cần phải khắc phục các bất cập, tồn tại để làm tốt hơn, mang lại lợi ích to lớn hơn cho đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.