Fintech nội: Phát huy lợi thế “đi sau”
Vài năm trở lại đây, Fintech đang dần trở thành cụm từ được quan tâm, nhất là giới tài chính, ngân hàng. Sự nở rộ của nhiều DN Fintech tại Việt Nam trong các mảng nghiệp vụ khác nhau đã thu hút được lượng vốn đầu tư đáng kể từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhận được sự quan tâm của các tổ chức tài chính truyền thống và các cơ quan quản lý.
Hơn 80 DN Fintech đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau |
Các chuyên gia đều nhận định, Việt Nam có một số điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của DN Fintech như: quy mô dân số lớn với khoảng 95 triệu người, tỷ lệ người dân kết nối internet và sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao trên trung bình thế giới, mạng internet di động 4G/3G phủ rộng khắp cả nước, giới trẻ am hiểu công nghệ… Hành lang pháp lý cũng đang có những hỗ trợ nhất định từ phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp việc phân phối các sản phẩm tài chính, đầu tư… đến khách hàng hiệu quả với chi phí thấp. Fintech tại Việt Nam thời gian tới chắc chắn sẽ còn có những sự chuyển biến rõ nét. Song câu hỏi đặt ra là liệu có lo ngại khi các công ty Fintech nội địa sẽ bị lép vế trước các đối thủ nước ngoài vốn giàu kinh nghiệm?
Thẳng thắn nhìn nhận, ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NextTech cho rằng, các ứng dụng Fintech trên thế giới khá đa dạng, tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng như tiền gửi, thanh toán, bảo hiểm, tín dụng tiêu dùng và DN nhỏ, quản trị rủi ro, an toàn bảo mật…
Ở Việt Nam hiện nay, bức tranh còn khá đơn điệu với đại đa số ứng dụng Fintech tập trung trong lĩnh vực thanh toán điện tử, đặc biệt nở rộ hơn hai năm gần đây khi NHNN chính thức cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 27 tổ chức và nhiều DN khác đang chờ cấp phép. Tuy nhiên, chỉ một số DN này hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận với một mảng thị trường riêng. Trong khi đại đa số còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Triệu Huy - CEO The Disruptive Group, chuyên gia Fintech cũng chia sẻ, cơ sở hạ tầng trong ngành tài chính ở các nước phương Tây đã rất phát triển. Cơ sở hạ tầng được định nghĩa là những phương tiện cơ bản giúp cho một quốc gia hay một cộng đồng vận hành. Nó không chỉ bao gồm điện, nước mà phải kể đến cả viễn thông và internet. Bàn đến nhu cầu thiết yếu của con người, internet không thể sánh ngang với điện hay nước. Tuy nhiên, theo ông Huy, trong kỷ nguyên số, tất cả mọi người và các quốc gia rất khó sống thiếu internet.
“Thực tế, cơ sở hạ tầng số đã có một bước tiến kỳ diệu, phát triển nhanh gấp 5 lần điện hay điện thoại. Nói cách khác, kể cả những quốc gia có tài nguyên hạn hẹp cũng có thể tiếp cận cơ sở hạ tầng internet nhanh hơn nhiều so với các loại cơ sở hạ tầng khác”, ông Huy cho hay.
Nói như vậy để thấy, Việt Nam không phải là quốc gia có nền tảng cơ sở hạ tầng hoàn hảo. Song chính lợi thế đi sau sẽ giúp Việt Nam nói chung, trong đó có các DN Fintech nói riêng có thể đúc rút kinh nghiệm, từ đó có những bước phát triển vượt bậc qua việc phát huy thành tựu của công nghệ số.
Nói riêng về thanh toán di động, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và mạng lưới các công ty Fintech đều chạy đua đầu tư công nghệ, phát triển ví điện tử và thanh toán di động. Tại Việt Nam, mặc dù thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn đeo bám dai dẳng trong người dân, song theo một chuyên gia kinh tế chia sẻ, Việt Nam cũng đang có nhiều cơ hội để công nghệ thanh toán qua thiết bị di động phát triển mạnh mẽ khi thị trường bán lẻ đang tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến hơn. Năm 2017, tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt mức kỷ lục 129,6 tỷ USD. Việt Nam cũng là 1 trong 25 quốc gia mà WB ưu tiên trong nỗ lực giúp nhiều người tiếp cận đến hệ thống tài chính chính thức, bao gồm các dịch vụ tiết kiệm, thanh toán, tín dụng và bảo hiểm.
Thêm nữa, Fintech Việt Nam cũng có những ưu thế nhất định về am hiểu văn hoá bản địa, thói quen khách hàng giúp hỗ trợ lớn trong việc cung cấp các sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng, song vẫn đảm bảo sự đa dạng, tính riêng biệt. “Bên cạnh đó, Fintech nội địa cũng chiếm lợi thế hơn đối với việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, bảo trì, chăm sóc khách hàng…”, chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, một điểm chung và cũng là vấn đề quan trọng trong quản lý các hoạt động công nghệ tài chính tại Việt Nam cũng như trên thế giới là bảo mật thông tin khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank, xét đến khả năng trao đổi dữ liệu phi biên giới, mang tầm ảnh hưởng liên quốc gia của các công nghệ số, trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho công nghệ mới, cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc hiện trạng áp dụng trong nước cũng như môi trường pháp lý quốc tế. Khung khổ pháp lý hiện nay ở Việt Nam mới chỉ hỗ trợ cho các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán. Vẫn còn thiếu khung pháp lý đầy đủ và có cấu trúc tốt cho các hoạt động tài chính khác như: cho vay ngang hàng, công nghệ sổ kế toán phân phối (DLT), các ứng dụng khác dựa trên công nghệ blockchain… “Để Việt Nam có thể phát triển môi trường Fintech một cách bền vững và bắt kịp tốc độ phát triển quốc tế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, các NHTM và các công ty công nghệ”, ông Hưng khuyến nghị.