Ứng dụng công nghệ trong ngân hàng: Xu hướng tất yếu để tạo sự khác biệt
Chương trình đầu tiên đào tạo cử nhân Fintech ở Việt Nam | |
NHNN đã chủ động đề xuất xây dựng hành lang pháp lý cho ngân hàng số | |
Đón sóng cách mạng công nghiệp 4.0: Kỳ vọng phải dựa trên thực tế |
Thay đổi căn bản mô hình kinh doanh
Nếu ngân hàng Việt Nam có thể bắt nhịp và ứng dụng thành công thành tựu khoa học công nghệ sẽ tạo được sự khác biệt cho từng ngân hàng mình nói riêng, cả hệ thống nói chung, từ đó cung ứng giải pháp thông minh, dịch vụ tốt nhất cho người dân, DN. Đó cũng là chủ đề chính của Hội thảo “Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng” do NHNN phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức vào ngày 21/8/2018 tại Hà Nội.
Các ngân hàng đẩy mạnh số hóa hoạt động |
Tại Hội thảo, các diễn giả đều nhấn mạnh vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tác động tới mọi ngành nghề, mọi quốc gia. Ngành Ngân hàng Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc cách mạng này.
Nhằm đón đầu xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech NHNN cho biết, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của nhân loại trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, làm phong phú thêm những trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng Việt Nam đang có sự đầu tư lớn về hạ tầng CNTT, phần mềm corebanking thế hệ mới, triển khai các công nghệ nền tảng mới, ứng dụng các giải pháp sáng tạo theo xu hướng chung về chuyển đổi số, số hóa dịch vụ của ngành Ngân hàng với mục tiêu cuối cùng là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số theo hướng đơn giản, thân thiện, tự động, thông minh và tiếp cận khách hàng đa kênh đồng nhất (Omni-Channel).
Song song với đó là sự phát triển, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tài chính trong nước với sự góp mặt của các DN Fintech phát triển dựa trên thành tựu của khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử gia tăng, các hoạt động đa dạng của kinh tế số và thỏa mãn tốt hơn nhu cầu, hành vi thay đổi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số.
Xu hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi, cộng hưởng sức mạnh giữa ngân hàng - Fintech đang là xu hướng phát triển chủ đạo tại thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech thuộc NHNN cho biết, theo khảo sát của NHNN đến tháng 4/2018, có đến 81% TCTD lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng - Fintech để cùng phát triển. Việc khai thác lợi thế sẵn có của ngân hàng như thương hiệu, nền tảng khách hơn lớn, năng lực quản lý rủi ro… và công ty Fintech có những chuyên gia công nghệ, giải pháp đột phá lại tiếp cận thị trường nhanh… một cách hiệu quả sẽ giúp hai bên đưa ra những giải pháp đột phá, cải thiện hiệu quả sản phẩm. Từ đó, nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm của khách hàng cũng như giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho ngân hàng.
“Với những gì đang diễn ra cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị các ngân hàng theo xu hướng ngân hàng số”, ông Sơn nhấn mạnh.
Thách thức rủi ro bảo mật
Tuy nhiên, những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành Ngân hàng khiến rủi ro an ninh mạng như lừa đảo, hacker… trong lĩnh vực này trở nên lớn và thường trực hơn, do sự kết nối mở, liên tục, đa chiều, phức tạp. Ông Nguyễn Duy Lân - chuyên gia an ninh mạng tỏ ra lo ngại khi vấn đề bảo mật trong các giao dịch thanh toán ngày càng tăng.
Theo chuyên gia này, thiệt hại liên quan đến lĩnh vực này tăng theo cấp số nhân. Có thể chỉ sau hai năm số tiền thiệt hại từ 150 tỷ USD tăng lên 450 tỷ USD. Ngân hàng là một trong những lĩnh vực bị tấn công mạng nhiều nhất.
Ông Nguyễn Duy Lân dẫn chứng vụ tin tặc tấn công Ngân hàng Bangladesh năm 2016 lấy đi 1 tỷ USD là ví dụ về mất cảnh giác với bảo mật. Do vậy, hiện nhiều ngân hàng trên thế giới đã không tiếc tiền của đầu tư tới 30% tổng chi phí công nghệ chỉ để duy trì hệ thống bảo mật. Đây cũng là thách thức đặt ra đối với các ngân hàng Việt Nam khi ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động.
Về vấn đề này, theo quan điểm của ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank, chắc chắn an toàn bảo mật đều được các ngân hàng chú trọng, trong đó những ngân hàng chú trọng về công nghệ như TPBank càng được dành sự quan tâm lớn.
“Chúng tôi cũng rất chú trọng không chỉ có phần cứng mà bảo mật cả phần mềm, cả ý thức của người dùng cho đến có đội canh gác tập trung tại hội sở cũng như là các đơn vị khác. Bên cạnh lực lượng trong nội bộ thì chúng tôi phải có đối tác thường trực để trong trường hợp khẩn cấp thì biết kêu đến ai và xử lý cái gì. Chúng ta đừng có tự tin rằng chúng ta tự xử lý được hết mọi chuyện”, ông Hưng chia sẻ.
Việc chia sẻ thông tin giữa các ngân hàng cũng cần được tăng cường để hạn chế được rủi ro bị tấn công. Bởi theo ông Hưng, có những lỗ hổng rất đơn giản chỉ cần cảnh báo cho nhau là có thể xử lý được lỗi đó, nhưng hiện chưa có một cơ chế trao đổi, cách thức xử lý để ứng xử trong những tình huống khẩn cấp.
“Tôi nghĩ cái này không chỉ của NHTM đơn lẻ mà cần có vai trò của NHNN, của Cục Công nghệ thông tin... chúng tôi sẵn sàng tham gia kinh nghiệm của chúng tôi trong vấn đề đó”, ông Hưng đưa ra quan điểm và đề xuất thêm về cơ chế, hiện tại ngân hàng mới thử nghiệm một vài ứng dụng công nghệ hiện đại như Blockchain và không có ý định dừng lại ở vài thử nghiệm. Do đó, ngân hàng này mong muốn NHNN nên có lộ trình đưa ra cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện NHTM triển khai nhiều hơn.
Ngoài thách thức, một lo ngại nữa của ông Nguyễn Duy Lân đó là những khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực. Những giải pháp trên thế giới rất mới mẻ đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để vận hành giải pháp đấy một cách hiệu quả.
Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN cho biết định hướng trong thời gian tới sẽ có cơ chế đãi ngộ, thu hút các tài năng về công nghệ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời để tạo điều kiện hơn cho các ngân hàng ứng dụng công nghệ trong hoạt động, NHNN tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với sản phẩm, dịch vụ mới; tạo dựng môi trường pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các tổ chức Fintech, khuyến khích các giải pháp Fintech an toàn hiệu quả.
Song song với đó, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới, đầu tư các công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng xu thế phát triển ngân hàng số, hợp tác ngân hàng - Fintech…