Giải quyết căn bản thị trường mua bán nợ
Chính sách đặc thù để giải quyết vấn đề cấp bách | |
VAMC cần có thực quyền | |
Nhà đầu tư nước ngoài tham gia XLNX: Mắc ở pháp lý và cơ chế |
Ông Nguyễn Văn Thắng |
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT VietinBank:
Nghị quyết sẽ giải quyết được vấn đề căn bản của thị trường
Chúng ta xác định nợ xấu là một loại hàng hóa và cần có một thị trường mua bán nợ, ở đó có người bán, người mua và có hàng hóa. Mặc dù chúng ta cũng có thị trường nhưng hàng hóa còn rất nghèo nàn, riêng với loại hàng hóa được người mua quan tâm đó là khoản nợ gắn với bất động sản, gắn với quyền sử dụng đất thì lại chưa giao dịch được. Vướng là ở chỗ người mua khoản nợ này không được thừa hưởng tài sản bất động sản gắn với nợ xấu và không có quyền để xử lý tài sản đó. Do vậy, trong thời gian qua mới chỉ bán được các khoản nợ gắn với động sản thôi, hay nói cách khác chúng ta có hàng hóa nhưng hàng hóa không đưa được ra thị trường để bán.
Theo quy định, chỉ những tổ chức, cá nhân có chức năng kinh doanh mua bán nợ mới được tham gia. Ở Việt Nam hiện chỉ có hai đối tượng chính để mua khoản nợ của các NH là Công ty mua bán nợ DATC của Bộ Tài chính và Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Mà VAMC thì chưa có nguồn lực và cơ chế để mua nợ theo thị trường. Như vậy, hiện nợ xấu không tìm được người mua, hoặc có người mua thì đàm phán về giá rất khó. Điều này thể hiện qua thống kê cho thấy XLNX chủ yếu là do tự các NHTM xử lý với con số trên 50 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là bằng giải pháp đôn đốc, động viên khách hàng trả nợ và xử lý các TSBĐ theo thông thường là xử kiện ra tòa.
Từ những khó khăn trên, Dự thảo Nghị quyết XLNX đã cho phép mọi tổ chức, cá nhân đều được tham gia mua nợ xấu. Và các cá nhân, tổ chức này được kế thừa quyền chủ nợ đối với TSBĐ của chủ nợ kể cả tài sản là quyền sử dụng đất, cũng như tài sản gắn liền với đất. Như vậy, Nghị quyết XLNX ra đời là rất cần thiết vì nó sẽ giải quyết được vấn đề căn bản của thị trường, nơi đó có người mua, có người bán. Và chúng ta có thể bán được nợ xấu với giá tốt hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Quốc Bình |
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội):
Xử lý nợ xấu chậm sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế
Thực tế là tình trạng nợ xấu đang tồn tại kéo dài, dù vừa qua chúng ta đã chuyển nợ xấu từ các TCTD sang công ty mua bán nợ VAMC để lành mạnh hóa bảng cân đối tài chính của TCTD chứ chưa xử lý được. Việc XLNX chậm gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Do đó, theo tôi việc xây dựng Nghị quyết và ban hành càng sớm càng tốt, nó sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm nay và năm 2018.
Tôi đồng ý quan điểm về mua bán nợ theo cơ chế thị trường, nhưng với khoản nợ dưới giá trị sổ sách thì làm thế nào đang trở thành vấn đề quan tâm và để làm thế nào cho đúng luật, không bị thất thoát vốn, mà vẫn xử lý nhanh được nợ xấu.
Thứ hai là vấn đề tài sản bảo đảm của người vay vốn theo dự thảo Nghị quyết sẽ theo xu hướng giao cho các TCTD quản lý và xử lý các tài sản này mà không cần ra tòa. Về nguyên tắc cũng đúng thôi, nhưng để thực hiện việc này chúng ta phải điều chỉnh Bộ Luật Dân sự điều 299 và 301 cho phù hợp. Thứ nữa là nếu TCTD quản lý, xử lý thì việc bán đó có đúng giá, đúng quyền lợi cho người có tài sản hay không? Điểm nữa tôi cũng quan tâm là sau khi Nghị quyết được ban hành thì có văn bản hướng dẫn nào không. Nghị quyết mang tính tình thế thì phải có hướng dẫn chi tiết hơn nữa quy trình thực hiện, nói rõ hơn các nguyên tắc và có những tổ chức kiểm tra để đảm bảo sự minh bạch và thực thi tốt hơn.
Ông Hoàng Quốc Thưởng |
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương):
Ngành Ngân hàng rất tích cực trong xử lý nợ xấu
Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, từ năm 2012-2016 số nợ xấu đã được xử lý 50 nghìn tỷ trong tổng số 611 nghìn tỷ đồng. Con số này khẳng định trong bối cảnh kinh tế của nước ta còn khó khăn, trong khi các TCTD đang trong quá trình cơ cấu lại và không có sự hỗ trợ từ NSNN mà việc xử lý nợ thời gian qua của Chính phủ và của ngành Ngân hàng tôi cho là rất tích cực.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chủ yếu tập trung ở việc thiếu khung pháp lý XLNX. Chúng ta cũng chưa tạo điều kiện để thị trường mua bán nợ xấu và xử lý tài sản là bất động sản, nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản còn nhiều vướng mắc, bất cập không bảo đảm quyền xử lý tài sản của chủ nợ. Thời gian xử lý nợ và tài sản kéo dài, dẫn đến mất thời gian và tốn kém.
Từ những vướng mắc trên, việc ban hành Nghị quyết về XLNX của Quốc hội là cần thiết và ban hành càng sớm càng tốt. Về thời gian thi hành Nghị quyết, tôi đồng tình khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và thời gian áp dụng trong vòng 5 năm. Tuy nhiên cũng cần xem xét việc Nghị quyết diễn ra trong thời gian đó sẽ là “gối” sang giai đoạn kế hoạch tài chính và phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Do đó cần xem xét kỹ lưỡng các quy định liên quan như việc miễn thuế, phí trong quá trình XLNX và phải gắn trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức gây ra thực trạng nợ xấu tại các TCTD.
Ông Đinh Văn Nhã |
Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên):
Thông qua Nghị quyết sẽ giải quyết được ách tắc vốn cho nền kinh tế
Nghị quyết về XLNX là gói cơ chế chính sách tương đối hợp lý. Đây không phải sáng tạo của chúng ta mà tiếp thu những thông lệ tốt nhất của quốc tế vào Việt Nam. Ví dụ các quy định về thu giữ tài sản, mua bán nợ theo giá thị trường, cho phân bổ dần lãi dự thu, chênh lệch giá bán nợ… Đây là những thông lệ quốc tế mà cực chẳng đã ta mới phải vận dụng khi tình huống xảy ra.
Chúng ta đã cố gắng thành lập VAMC với kỳ vọng để xử lý nhưng mới chỉ xử lý được một phần, và chỉ có tác dụng như là biện pháp “xoa bóp” bên ngoài, khi không xoa nữa lại đau… Trên thực tế có nhiều vướng mắc về pháp lý mà công ty này không thể xử lý được. Vì vậy, Nghị quyết này được xem là đưa ra biện pháp cả gói để “phẫu thuật”, chữa trị dứt điểm, hiệu quả. Dự thảo Nghị quyết dù được chuẩn bị trong thời gian tương đối gấp nên đánh giá, phân tích tuy chưa sâu như mong muốn của đại biểu nhưng nếu Nghị quyết được thông qua nó sẽ đạt được những vấn đề lớn.